Đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh hiệu quả

01/09/2024

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các ĐBQH, đại diện các hiệp hội và giới chuyên gia nêu quan điểm: Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh phải được đặt ngang tầm với quy hoạch đất đai, hạ tầng giao thông và phải được cấp có thẩm quyền Trung ương, địa phương phê duyệt cũng như đáp ứng được các quy định của Luật Quy hoạch...

Cần xem xét quy định về điện tự sản tự tiêu trong Luật Điện lực (sửa đổi)

Góc nhìn: Sửa đổi Luật Điện lực – hướng đi mới cho hạ tầng truyền tải và năng lượng tái tạo

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới. Dự án Luật gồm 9 chương, 119 điều có nhiều sự điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và thực tiễn cuộc sống. Một trong những nội dung đang nhận được sự quan tâm của các địa phương, hiệp hội, đại biểu Quốc hội, giới chuyên gia là vấn đề quy hoạch và phát triển lưới điện cấp tỉnh.

Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh phải được đặt ngang tầm với quy hoạch đất đai, hạ tầng giao thông

Theo TS. Hoàng Văn Thắng - Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, hiện nay, theo Luật Quy hoạch, quy hoạch điện lực được thể hiện ở 4 quy hoạch, bao gồm 3 quy hoạch tích hợp (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh) và 1 quy hoạch ngành quốc gia (quy hoạch phát triển điện lực). Với đặc điểm các quy hoạch tích hợp và quy hoạch cấp quốc gia, không thể đưa các thông tin quá chi tiết, cụ thể vào 4 quy hoạch trên.

TS. Hoàng Văn Thắng - Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam

TS. Hoàng Văn Thắng cho rằng, việc Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cố gắng đưa các thông tin chi tiết vào các quy hoạch trên có thể dẫn tới không phù hợp với quy hoạch tích hợp và quy hoạch cấp quốc gia. Việc đưa thông tin quá chi tiết có thể dẫn tới thông tin không chính xác, phải điều chỉnh. Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt rất khó khăn. Do vậy, Ban soạn thảo nên đưa vào Luật Điện lực (sửa đổi) quy hoạch điện lực cấp tỉnh do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và sửa Luật Quy hoạch (bổ sung vào phụ lục II mục "Quy hoạch điện lực cấp tỉnh").

Về phạm vi quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, TS. Hoàng Văn Thắng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) ghi rõ quy mô dự án nguồn điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Vì thường trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (như quy hoạch Điện VIII) không ghi danh mục các dự án nguồn điện quy mô nhỏ mà chỉ ghi tổng công suất của các nguồn này. 

Tại Điều 9 của dự án Luật Điện lực (sửa đổi) quy định phương án phát triển mạng lưới cấp điện là một nội dung trong quy hoạch tỉnh, bao gồm các dự án nguồn điện và lưới điện đã xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, lưới điện phân phối trên địa bàn.

Theo TS. Hoàng Văn Thắng, quy định như trên là không đầy đủ và nên sửa đổi phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh là một nội dung trong quy hoạch tỉnh bao gồm các dự án nguồn điện và lưới điện đã xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; nguồn điện và lưới điện trên địa bàn tỉnh.

Về lập, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch (Điều 10), TS. Hoàng Văn Thắng cho rằng, UBND cấp tỉnh quyết định việc sửa đổi, cập nhật thông tin của các dự án nhưng không làm thay đổi mục tiêu, quy mô, công suất, thời kỳ quy hoạch đã được phê duyệt trong quy hoạch tỉnh. Trừ trường hợp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép. Bởi ngay trong Quy hoạch điện VIII, lường trước một số bất cập khi thực hiện quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh được điều chỉnh một số nội dung. 

Ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng 

Liên quan đến quy hoạch phát triển điện lực, ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nêu quan điểm: Theo Khoản 9 Điều 3 Luật Quy hoạch thì quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Vì quy hoạch phát triển điện lực tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia cho từng tỉnh, vùng nên nó phải được coi là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Quy hoạch kinh tế-xã hội tỉnh là quy hoạch chung, trong khi quy hoạch điện lực tỉnh lại là quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật, có những đặc thù riêng nên rất khó đạt được chất lượng cao khi tích hợp chung. Quy hoạch kinh tế-xã hội tỉnh xây dựng danh mục dự án quan trọng tỉnh, sắp xếp thứ tự và phân kỳ thực hiện dự án. Vì vậy, quy hoạch tỉnh chỉ xem xét các vấn đề tổng thể về kinh tế-xã hội của tỉnh và chỉ đề xuất Chính phủ phê duyệt các dự án quan trọng, ưu tiên của tỉnh, các dự án còn lại sẽ được xem xét tại các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong khi quy hoạch điện tỉnh đã bị bỏ, thay bằng Phương án phát triển mạng lưới cấp điện (PACĐ). 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hạnh, nguồn lực và thời gian dành cho PACĐ không đủ nên chất lượng của các PACĐ này nói chung rất kém, phần lớn là sao chép lại các kết quả của quy hoạch điện tỉnh thời kỳ trước (quy hoạch giai đoạn 2016-2025, có xét tới năm 2035). Hiện tại, chưa xảy ra hệ quả lớn của việc này do sử dụng kết quả quy hoạch cũ, hệ thống điện còn dự phòng và tăng trưởng điện các năm 2020-2023 thấp. Tuy nhiên, nếu không khắc phục thì sẽ dẫn tới những hậu quả lớn hơn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Do tích hợp chung vào quy hoạch tỉnh nên phần PACĐ thường không do những đơn vị tư vấn chuyên ngành điện, có truyền thống và chuyên nghiệp thực hiện, cá biệt có nơi lại do cá nhân thực hiện nên chất lượng không đảm bảo. Quá trình phê duyệt lại không có các ý kiến thẩm tra, thẩm định của các đơn vị chuyên ngành điện (EVN, truyền tải, công ty điện lực,...) nên PACĐ thường không đảm bảo chất lượng.

Phương án quy hoạch điện cấp tỉnh có ý nghĩa rất hạn hẹp, thường áp dụng cho một dự án cụ thể, không mang tính tổng thể như quy hoạch nên các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật sẽ rất hạn hẹp dẫn tới vấn đề dành quỹ đất, vốn đầu tư, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng sẽ không được quan tâm như một ngành cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Với những lý do nêu trên, ông Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh phải được đặt ngang tầm với quy hoạch đất đai, hạ tầng giao thông và phải được cấp có thẩm quyền Trung ương, địa phương phê duyệt mới có hiệu lực pháp lý cao.

Quy hoạch điện lực cấp tỉnh phải đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Quy hoạch

Đồng thuận với quan điểm trên và đóng góp thêm về phát triển mạng lưới điện cấp tỉnh, TS. Trần Thanh Liễn - Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho rằng, UBND cấp tỉnh quyết định việc sửa đổi, cập nhật thông tin của các dự án nhưng không làm thay đổi mục tiêu, thời kỳ quy hoạch và quy mô, tổng công suất thuộc trong giới hạn các kịch bản đề xuất đã được phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.

TS. Trần Thanh Liễn - Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả

Nội dung kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh phải đáp ứng quy định của Luật Quy hoạch và các nội dung chi tiết theo 2 giai đoạn thời gian trong kỳ quy hoạch 10 năm. Kế hoạch thực hiện quy hoạch cần chi tiết hóa các nội dung theo hai giai đoạn thời gian để tăng tính khả thi thực hiện.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phạm vi điều chỉnh quy hoạch điện lực được đề cập từ Điều 9 đến Điều 11 của dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Khi thực hiện, các cơ quan không nên quy định lại những quy định chung mà những luật về quy hoạch đã có. Điều quan trọng khi triển khai quy hoạch điện lực là phải nghiên cứu, quy định về thời gian định giá, định kỳ đánh giá thực hiện kế hoạch, quy hoạch đảm bảo hài hòa. Bên cạnh đó là phải rà soát lại thẩm quyền quản lý Nhà nước của các cơ quan như của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cần nghiên cứu để phân định rõ việc quản lý Nhà nước của từng Bộ, đặc biệt Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo dự án Luật thì phải nghiên cứu lại công tác quy hoạch điện lực sắp tới được an toàn, hoàn chỉnh và đạt được hiệu quả, yêu cầu của người dân mong muốn.

Với những ý kiến đóng góp, đề xuất như trên, các chuyên gia, hiệp hội kỳ vọng rằng, việc sửa đổi Luật Điện lực có thể điều chỉnh kịp thời những bất cập hiện tại trong quy hoạch, phát triển điện lực cấp tỉnh. Điều này cũng góp phần đưa hệ thống điện lực phát triển đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của Nhân dân ở mọi vùng, miền./.

Bích Lan

Các bài viết khác