Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà giáo

17/09/2024

Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, chiều 17/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà giáo. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp.

Tham vấn chuyên gia về quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp

Tham dự Phiên họp có: Các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; đại diện một số bộ, ngành Trung ương.

Theo dự thảo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

Dự án Luật quy định về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo. Dự án Luật áp dụng đối với: Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục; tổ chức, cá nhân có liên quan.

Khẳng định dự án Luật Nhà giáo là một dự án Luật khó, tác động đến nhiều đối tượng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu Chính phủ xây dựng dự án Luật, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều cuộc làm việc, hội nghị, hội thảo với các chuyên gia, các bộ ngành có liên quan, xin ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng

Đến nay, dự thảo Luật Nhà giáo có bố cục gồm 09 chương, 71 điều, quy định về những nội dung về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; định danh nhà giáo; vai trò của nhà giáo; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý và phát triển nhà giáo; chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; tổ chức xã hội – nghề nghiệp của nhà giáo; áp dụng quy định của Luật Nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm…

Dự án Luật Nhà giáo đã cụ thể hóa 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 07/7/2023 của Chính phủ, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo với những lý do được nêu tại Tờ trình số 406/TTr-CP ngày 06/9/2024 của Chính phủ; cho rằng, việc ban hành Luật Nhà giáo là nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, về cơ bản, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện thêm các nội dung về: Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật (cần làm rõ những chính sách nâng lên từ quy định của văn bản dưới luật; những chính sách quy định lại từ các luật chuyên ngành hiện hành; những chính sách mới của dự thảo Luật); Báo cáo đánh giá tác động và Tờ trình của Chính phủ (Cần đánh giá đầy đủ nguồn kinh phí dự kiến thực hiện các chính sách mới để có đủ cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định); Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về chính sách đối với nhà giáo (cần thống kê, phân tích các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên).  

Các ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về vai trò nhà giáo; xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và hoàn thiện pháp luật về nhà giáo…; cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật được quy định lại từ các luật chuyên ngành hiện hành, chưa có nội dung mới; một số quy định chưa cụ thể bằng quy định của luật chuyên ngành liên quan. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan và xử lý được xung đột pháp lý nếu phát sinh.

Về việc bảo đảm chính sách dân tộc và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung một số chính sách mới đối với nhà giáo là người dân tộc thiểu số, nhà giáo giảng dạy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; các chính sách được quy định tương đối đầy đủ. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.

Các đại biểu tại Phiên họp

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng Luật tiếp tục quan tâm, rà soát các quy định có liên quan tới vấn đề bình đẳng giới theo từng nội dung chính sách; bổ sung, cụ thể hóa một số quyền của người lao động, nhất là lao động nữ để bảo đảm tốt mục tiêu bình đẳng giới trong các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật. Đồng thời, làm rõ nội hàm khái niệm chế độ làm việc quy định tại Điều 31 để bảo đảm tương thích với quy định về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo quy định tại Điều 10…

Ngoài ra, về mục tiêu, yêu cầu, nội dung hợp tác quốc tế về nhà giáo, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện ngắn gọn mục tiêu của hợp tác quốc tế về nhà giáo tại khoản 1 Điều 55; tập trung vào xây dựng, chuẩn hóa và nâng cao năng lực đội ngũ, khẳng định vị thế, vai trò của nhà giáo trên trường quốc tế. Bên cạnh dó, cân nhắc bổ sung yêu cầu, nguyên tắc trong hợp tác như bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và bảo đảm hài hòa lợi ích chung giữa các bên tại khoản 2 Điều này. Cùng với đó, bổ sung quy định về trách nhiệm thực hiện hoặc phân cấp thực hiện các nội dung quy định tại điểm d khoản 5 Điều 66 của cơ quan cấp sở; bổ sung nội dung chỉ đạo, thực hiện hoặc phân cấp thực hiện các nội dung quy định tại điểm a khoản 6 đối với cơ quan cấp phòng để thống nhất với quy định về thẩm quyền trong tuyển dụng, điều động, thuyên chuyển, biệt phái nhà giáo quy định tại dự thảo Luật…

Cùng với đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ thuật soạn thảo văn bản dự thảo Luật để bảo đảm văn phong, tính quy phạm, tính thống nhất của dự thảo Luật với các luật chuyên ngành khác có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 

Phát biểu kết thúc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về cơ bản các ý kiến trong Thường trực Ủy ban đều tán thành với sự cần thiết cửa dự án Luật Nhà giáo. Tuy nhiên vẫn còn một số ít ý kiến còn băn khoăn từ phía chuyên gia và một số cơ quan. Do vậy, Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình thấu đáo các nội dung để đảm bảo tính thuyết phục của dự thảo Luật và nhận được sự đồng thuận cao.

Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, Cơ quan soạn thảo cần rà soát, đảm bảo tính chặt chẽ, rõ ràng đối với quy định về đối tượng áp dụng. Theo đó, nếu quyết tâm theo đuổi quy định về khái niệm nhà giáo rộng hơn, Cơ quan soạn thảo cần đầu tư nghiên cứu, khu trú thật chặt chẽ từng nhóm chính sách đặc thù. Ngoài ra, cần rà soát kỹ các luật có liên quan như Luật Viên chức, Bộ luật Lao động… để tránh xung đột, chồng chéo.

Nhấn mạnh đây là dự án Luật mới và rất khó, đối tượng áp dụng rộng, tác động lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Cơ quan soạn thảo hết sức thận trọng, cầu thị, lắng nghe tối đa và tiếp thu một cách khoa học để có dự thảo Luật chất lượng tốt nhất. Trên tinh thần đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉ đưa vào Luật những nội dung đã chắc chắn. “Đối với những vấn đề mới, còn băn khoăn, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế là vô cùng quan trọng.”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nói.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 

Các đại biểu tại Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry

 Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Trần Việt Anh 

Tại Phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo 

Đồng thời cho rằng, việc ban hành Luật Nhà giáo là nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo

Các đại biểu tại Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Thu Phương - Nghĩa Đức