Thể chế hoá đầy đủ chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số

05/10/2024

Đóng góp vào thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức sáng 05/10, các đại biểu nêu quan điểm: Dự án Luật cần thể chế hoá đầy đủ chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ số phát triển, chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao...

Tạo không gian thử nghiệm an toàn cho các doanh nghiệp triển khai công nghệ số mới

Đề xuất xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số, tiền số

Sáng 05/10, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp có các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, đơn vị hữu quan.

Toàn cảnh Phiên họp

Tại Phiên họp, các đại biểu đã thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Đề cập của việc cần ban hành Luật này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 08 Chương, 73 Điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định còn phù hợp của Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành về công nghiệp công nghệ thông tin; thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ và đồng bộ với các dự án Luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho thực thi, áp dụng.

Quan điểm xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là Nghị quyết số 29- NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương

Dự án Luật cũng nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng thực thi các quy định pháp luật về công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT theo pháp luật hiện hành. Đồng thời, đề xuất chính sách khả thi nhằm quy định cụ  thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; tạo cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số, trong đó có một số đặc biệt ưu đãi đầu tư và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

Dự án Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành Công nghiệp công nghệ số bao gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; Hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; Hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; Doanh nghiệp công nghệ số...

Các đại biểu Quốc hội tham dự Phiên họp

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, hồ sơ dự án Luật gửi tới Cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội còn chậm, chưa đảm bảo thời gian theo quy định, ảnh hưởng đến hoạt động thẩm tra và cho ý kiến đối với dự án Luật. Có ý kiến cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần khẩn trương, tập trung nguồn lực hơn nữa để hoàn thiện thêm chất lượng về nội dung cũng như hồ sơ của dự án Luật.

Mặt khác, qua rà soát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng: Đối với Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, mặc dù về cơ bản đã đáp ứng theo quy định của Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng một số nhận định, đánh giá vẫn còn chung chung, thiếu cụ thể; đánh giá tác động của chính sách về kinh tế - xã hội chưa thể hiện đúng như quy định tại Điều 6 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá tác động của một số chính sách trong dự thảo Luật như sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu (chính sách I.4), hợp tác quốc tế trong công nghiệp công nghệ số... còn chưa đầy đủ, thiếu số liệu cụ thể, mục tiêu giải quyết vấn đề chưa thuyết phục để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn.

Đối với Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế liên quan đến dự án Luật, đề nghị rà soát, phân tích và đánh giá kỹ hơn các quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, nhất là các luật vừa được Quốc hội thông qua như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Đất đai... và những Luật đang được sửa đổi, bổ sung, trình Quốc hội xem xét như: Luật Dữ liệu, Luật Đầu tư,...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh

Về nội dung liên quan đến kinh nghiệm quốc tế phục vụ cho xây dựng dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đánh giá tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến cam kết trợ cấp, đảm bảo không vi phạm cam kết quốc tế, đồng thời tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế để rút ra bài học đối với Việt Nam về phát triển công nghiệp công nghệ số, nhất là trong bối cảnh chưa có thông tin cho thấy quốc gia nào trên thế giới quy định ở tầm luật đối với lĩnh vực này.

Đối với Bản đánh giá thủ tục hành chính (TTHC), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần bổ sung nội dung về chi phí tuân thủ TTHC. Bản đánh giá chưa quy định đầy đủ các bộ phận của TTHC mà giao Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ đánh giá chi phí tuân thủ TTHC khi xây dựng văn bản văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Có ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động cụ thể hơn, làm rõ việc quy định 06 nhóm TTHC (trong đó, dự kiến ban hành mới 04 nhóm TTHC; sửa đổi, bổ sung 01 nhóm TTHC và giữ nguyên 01 nhóm TTHC) có thực sự đơn giản hóa, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp hay không; đề nghị giải trình thêm lý do thẩm quyền giải quyết TTHC chủ yếu do cơ quan ở trung ương thực hiện mà không phân cấp cho cơ quan chuyên môn ở địa phương. 

Cần có chính sách đủ mạnh, đột phá để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số

Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Việc sửa đổi Luật phải đảm bảo mục tiêu chế hoá, cụ thể hoá đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số; Chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cho rằng, dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 phải đảm bảo các mục tiêu cụ thể như: Thể chế hoá đầy đủ chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số, Công nghiệp công nghệ số; Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ số bứt phá; Là nền tảng, đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phát về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cách mạng 4.0; Tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn của ngành công nghiệp, công nghệ số; Tuổi thọ của Luật cao, môi trường pháp lý ổn định, ngày càng hoàn thiện với tính dự báo tốt.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải

Đề cập về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, cụ thể hóa ngay trong Luật một số chính sách: Nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển công nghiệp công nghệ số. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ số chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô, nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến còn khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới, cần được hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đối với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều đại biểu cho rằng, việc ứng dụng công nghệ mới này là xu thế chung trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi do AI đem lại thì cũng có nhiều rủi ro, hậu quả không tốt được tạo ra và như vậy việc ban hành quy định đối với các hệ thống AI là rất cần thiết. Theo đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa các nội dung đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI trong Luật. Đồng thời bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI lên các mặt của đời sống, xã hội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng

Trước những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã làm rõ một số nội dung được các đại biểu quan tâm. Đồng thời Bộ trưởng cũng cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu các nội dung, điều khoản một cách phù hợp với điều kiện thực tế trong quá trình hoàn thiện dự án Luật.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp vào dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu tối đa các ý kiến tại Phiên họp để rà soát, hoàn thiện dự án Luật, gửi cơ quan thẩm tra xem xét lại trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại Phiên họp thứ 38 tới.

Một số hình ảnh tại Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn điều hành Phiên họp

Các đại biểu và đại diện các Bộ ngành, cơ quan tham dự Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Đại biểu Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải

Ủy viên chuyên trách ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH Tỉnh Lào Cai

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ một số nội dung của các đại biểu nêu tại Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu kết luận Phiên họp./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác