Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số với hệ thống pháp luật

08/10/2024

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, tại Phiên họp thứ 38, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm: Cần đảm bảo đồng bộ, thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật. Ngoài ra, cần tham chiếu các quy định của dự án Luật trong mối tương quan với các quy định, văn bản luật chuyên ngành đang được trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung.

Thể chế hoá đầy đủ chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số

Tạo không gian thử nghiệm an toàn cho các doanh nghiệp triển khai công nghệ số mới

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Tiếp tục Phiên họp thứ 38, chiều 08/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đề cập về sự cần thiết và mục đích ban hành, quan điểm xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ngoài ra, việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số cũng khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Luật Công nghiệp công nghệ số thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ CNTT trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Với phạm vi điều chỉnh như trên, bố cục của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 08 Chương, 73 Điều. Dự án Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số bao gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; Hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; Hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; Doanh nghiệp công nghệ số; Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: Nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban nhận thấy, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật, tương thích với với điều ước quốc tế có liên quan. Nhìn chung, hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật còn chậm, chưa bảo đảm theo quy định. Về nội dung dự thảo Luật, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cụ thể, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Về phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến đồng tình với phạm vi điều chỉnh như quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật có thể trùng lắp, giao thoa với một số Luật liên quan như Luật CNTT, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giao dịch điện tử… Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc không loại bỏ hoàn toàn các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hoạt động cơ yếu ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trừ khi có luật khác điều chỉnh các lĩnh vực này.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với việc thiết kế các chính sách và các quy phạm mới mang tính đột phá, vượt trội để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Để dự án Luật có tính khả thi cao, bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đề nghị cần xác định rõ mối quan hệ giữa dự án Luật CNCNS và Luật CNTT hiện hành. Bên cạnh đó là nghiên cứu và chỉnh lý theo hướng thay thế toàn bộ Luật CNTT bằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này và tiếp tục bổ sung các quy định còn hiệu lực của Luật CNTT vào dự thảo Luật CNCNS; hoặc sau khi Luật này có hiệu lực, tiếp tục rà soát các quy định có hiệu lực còn lại của Luật CNTT để sớm xây dựng văn bản mới thay thế toàn bộ Luật CNTT.  

Tránh tình trạng một doanh nghiệp hoặc một lĩnh vực lại nhận được quá nhiều sự trùng lập về ưu đãi

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, sự đồng bộ thống nhất của dự án Luật với các luật liên quan...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật phải đảm bảo không có sự trùng lắp với phạm vi điều chỉnh của các luật có liên quan như Luật CNTT, Luật Công nghệ cao, Luật Giao dịch điện tử...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số được quy định tại Điều 5 của dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, chính sách này còn chưa trọng tâm, chưa thấy được sự đột phá so với chính sách phát triển CNTT. Do đó, để hoạt động công nghiệp công nghệ số phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, rà soát và tách bạch các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ số ra khỏi những chính sách đã có của Luật CNTT. Đồng thời cũng tránh tình trạng một doanh nghiệp hoặc một lĩnh vực lại nhận được quá nhiều sự trùng lập về ưu đãi thì sẽ làm phân tán nguồn lực và gây lãng phí nguồn lực quốc gia.

Cho rằng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là một luật khó với chuyên ngành cao và là luật mới nên Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý Ban soạn thảo dự án Luật phải làm theo cách mới hiện nay. Theo đó, những nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định trong luật này. Còn những điều thuộc Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ ngành thì do các cơ quan đó ban hành. Việc xây dựng Luật phải bám vào chủ trương, đường lối của Đảng để thể chế hóa, đặc biệt bám sát vào Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 29 ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tạo lập cái hành lang pháp lý cho triển khai mô hình lao động việc làm mới trên cái nền tảng công nghệ số...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Về yêu cầu đảm bảo đồng bộ, thống nhất của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số với hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra chú trọng đảm bảo rà soát sự phù hợp của dự án Luật với những quy định của các luật liên quan như: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật Công nghệ cao năm 2008, Luật Khoa học công nghệ năm 2013, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024, Luật Thuế giá trị gia tăng 2024... Ngoài ra, cần tham chiếu các quy định của dự án Luật trong mối tương quan với các quy định, văn bản luật chuyên ngành đang được trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị dự án Luật, thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Để đảm bảo chất lượng của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của  Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật. Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường hoàn thiện việc thẩm tra chính thức dự án Luật để trình Quốc hội thảo luận trong Kỳ họp tới.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải giao Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong Phiên họp và thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Các lãnh đạo Quốc hội tham dự Phiên thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khách mời tham dự Phiên thảo luận

Đại diện các Bộ, ngành tham dự Phiên thảo luận

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ một số nội dung các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại Phiên thảo luận

Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận./.

Bích Lan - Phạm Thắng

Các bài viết khác