Cần đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 Luật

29/10/2024

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Phiên thảo luận tại Tổ 3.

Thảo luận Tổ 3: Cần đảm bảo tính bao quát, toàn diện khi quy định tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan

Thảo luận Tổ 3: Đánh giá những phát sinh thực tiễn để bổ sung vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Cần làm rõ các động lực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Tổ 3 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nghệ An, Bắc Giang và Quảng Ngãi. Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An - Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.

Qua thảo luận, các đại biểu tại Tổ 3 cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, nhằm thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương khẳng định sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật sửa 07 Luật nhằm vừa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, vừa bảo đảm quản lý nhà nước và quản trị xã hội để không tạo kẽ hở trong trục lợi chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 3

Với quyết tâm chính trị thông qua theo quy trình 01 kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã được thẩm tra kỹ lưỡng theo quy trình rút gọn. “Do đó, yêu cầu bổ sung đánh giá tác động, những chính sách nào đặc thù, vượt trội thì cần được tách ra, quy định ngay vào điều áp dụng pháp luật cho rõ ràng. Quốc hội cũng quyết tâm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để tháo gỡ khó khăn nhưng chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ và được đa số ĐBQH đồng thuận cao”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cho rằng việc phân tích, đánh giá tác động trong dự thảo Luật còn chưa rõ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần rà soát các điều khoản đề nghị sửa đổi, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng thời tuân thủ khoản 3 Điều 12 và Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Đề nghị các ĐBQH bày tỏ quan điểm chính thống của mình và tập trung góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, kể cả gừi bằng văn bản”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.

Qua nghiên cứu, cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Luật này, tuy nhiên đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cần tiếp tục phân định rõ nội dung thực sự là vấn đề cấp bách cần trình sửa theo quy trình rút gọn, đồng thời khẩn trương nghiên cứu sửa toàn diện các luật theo như chủ trương nghị quyết của Đảng.

Đồng tình với nội dung trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng, đối với những vấn đề cần thực hiện ngay thì ban hành Nghị quyết áp dụng thực hiện thí điểm ngay trong nghị quyết của Quốc hội áp dụng cho một số địa phương. Chính phủ trình Quốc hội một số chính sách hiện đang được thực hiện thí điểm mà chưa tổng kết, do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát, bảo đảm phù hợp với kết luận của cấp có thẩm quyền.

“Việc ban hành một luật sửa quá nhiều luật quan trọng liên quan đến việc quản lý nền tài chính quốc gia, tôi đề nghị cần được đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng. Tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp khoản 2, Điều 55 cùa Hiến pháp về vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách Trung ương tại khoản 4, Điều 70”, đại biểu nêu kiến nghị.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Về việc sửa đổi, bổ sung khoản 10 điều 10 Luật Ngân sách nhà nước về việc bổ sung quy định các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan nhận thấy, thực tiễn nhiều nội dung chương trình, dự án ngoài kế hoạch được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, tuy nhiên để tránh tuỳ nghi trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư đã được phê duyệt, đại biểu đồng tình như Báo cáo thẩm tra, trong trường hợp đặc biệt, đề xuất phương án Quốc hội giao UBTVQH thẩm quyền xem xét, bổ sung danh mục trong thời gian giữa hai kỳ họp; đồng thời với việc phân bổ ngân sách nhà nước cho các dự án và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Để đảm bảo nguyên tắc Hiến định, Quốc hội quyết định ngân sách, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc, tổng mức đầu tư Quốc hội được giao cho UBTVQH quyết định giữa hai kỳ họp.

Về việc bổ sung điểm d khoản 5 điều 19 Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần cân nhắc, tránh việc luật hoá nhằm tạo điều kiện giải quyết những vấn đề về ngân sách có nguyên nhân xuất phát từ hạn chế trong tổ chức thực hiện, từ chất lượng dự toán chưa đáp ứng yêu cầu, từ việc chậm trình các chương trình, dự án, từ xây dựng kế hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, với nguồn lực tồn đọng rất lớn, gây lãng phí trong thời gian vừa qua.

Quan tâm đến dự thảo Luật này, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, tại Điều 6 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, tại khoản 2 sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 15, đề nghị bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật liên quan” vào cuối đoạn về trách nhiệm của Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng. Đại biểu đề nghị viết lại như sau: “Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng trung gian thanh toán và các ngân hàng khác có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trong lĩnh vực thuế, số liệu giao dịch trong lĩnh vực thương mại điện tử theo quy định của pháp luật liên quan”.

Các đại biểu dự Phiên thảo luận

Vì vậy, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, cần phải bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật liên quan” thì hai luật mới tương thích với nhau, nếu không thì Luật này sẽ mâu thuẫn với Luật Các tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin khách hàng. Đồng thời tại khoản 4, Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, bổ sung khoản 5 và khoản 6 vào sau khoản 4 Điều 37, đại biểu đề nghị Ban soạn làm rõ khái niệm “doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn”.

Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 Luật, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, Hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 148 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Hồng An cho rằng, dự án Luật có nhiều nội dung quan trọng, phức tạp, tác động trực tiếp đến ngân sách Nhà nước, cần thời gian để cân nhắc, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng của dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng thể hiện sự cấp bách và vướng mắc trên thực tiễn, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp. Do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung làm rõ. Ngoài ra, đề nghị bổ sung dự thảo Nghị định quy định chi tiết dự án Luật theo quy định.

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Về tính tương thích của nội dung dự án Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo: (1) Tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định pháp luật của liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đối với các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung; rà soát xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác, kể cả các luật đang sửa đổi hoặc sẽ trình Quốc hội sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8; (2) bổ sung báo cáo Quốc hội kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bao gồm cả các nội dung quy định tại Luật Thủ đô và các cam kết quốc tế để Quốc hội có căn cứ xem xét, thông qua dự án Luật này bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và tính tương thích với các cam kết quốc tế; (3) đồng thời đề nghị Cơ quan chù trì soạn thảo tách nội dung này thành mục riêng trong Tờ trình của Chính phủ như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại đã đề cập.

Cũng tại Phiên họp tổ chiều nay, các đại biểu tham gia thảo luận, góp ý về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc, do đó, các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:

Toàn cảnh Phiên thảo luận ở Tổ 3

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến​ (bên phải) dự Phiên thảo luận tại Tổ 3 và Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu dự Phiên thảo luận 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 3

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Các đại biểu dự Phiên thảo luận ở Tổ 3./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác