Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) để trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp khi đủ điều kiện

03/11/2024

Tại Phiên họp cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) diễn ra chiều 3/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp khi đủ điều kiện...

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng chống trốn thuế, thất thu thuế

Toàn cảnh Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Chiều 3/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đề cập về sự cần thiết, quan điểm mục tiêu ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Việc ban hành Luật Thuế TNDN (sửa đổi) là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước; đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, từ tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành Phiên họp

Việc ban hành Luật thuế TNDN (sửa đổi) để sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định, dài hạn; thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề và địa bàn cần khuyến khích đầu tư. Đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện các tiêu chuẩn về phòng, chống chuyển giá, chống trốn thuế, thất thu thuế, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế. Quá trình xây dựng dự án Luật đã đảm bảo tuân thu đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) gồm 04 Chương, 20 Điều, trong đó: Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương II. Căn cứ và phương pháp tính thuế (từ Điều 6 đến Điều 11); Chương III. Ưu đãi thuế TNDN (từ Điều 12 đến Điều 18); Chương IV. Điều khoản thi hành (Điều 19 và 20). Dự án Luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) đã được Quốc hội đồng ý.

Ba kiến nghị của Thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh khẳng định: Qua rà soát các nội dung trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện, Thường trực Uỷ ban TCNS nhận thấy, các nội dung được Cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi, hoàn chỉnh là chưa toàn diện; dự thảo Luật mới lược bỏ một phần các nội dung dự kiến luật hoá từ các văn bản dưới luật; một số sửa đổi khác không làm thay đổi nội dung chính sách, chủ yếu là giao thẩm quyền cho Chính phủ và chỉnh lý văn bản; Hồ sơ dự án Luật và các nội dung giải trình chưa giải quyết và chưa làm rõ được nhiều vấn đề lớn đã được nêu trong Kết luận số 4279/TB-TTKQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban TCNS.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Dự án Luật sau chỉnh lý vẫn còn nhiều điều khoản đang được luật hoá quy định của văn bản dưới luật và không có giải trình về tính phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội. Ngoài ra, các nội dung quy định về ưu đãi thuế rất chi tiết và phức tạp với nhiều mức độ ưu đãi khác nhau, về thuế suất, về thời gian miễn, giảm, về các trường hợp kéo dài ưu đãi, về tiêu chí điều kiện hưởng ưu đãi,...; các đối tượng áp dụng Luật khó có thể tự chứng minh, tự xác định việc đáp ứng điều kiện để thực hiện tự khai, tự tính thuế cũng như khả năng thực hiện hậu kiểm của cơ quan quản lý. Từ góc độ này, dự án Luật chưa đảm bảo các yêu cầu về đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng Luật chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề có tính nguyên tắc, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, ngắn gọn, đơn giản, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện và có thể áp dụng lâu dài, tuyệt đối không luật hoá định của nghị định, thông tư.

Về kiến nghị của Thường trực Uỷ ban TCNS, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận số 950/KL-UBTVQH15 về dự án Luật Thuế TNDN, trong đó đã đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh lại hồ sơ dự án Luật, có ý kiến chính thức bằng văn bản của Bộ Tư pháp về dự thảo luật mới, tiếp thu, hoàn thiện gửi Ủy ban TCNS để thẩm tra và trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp tháng 10/2024. Trên cơ sở xem xét, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ kết luận có đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 hay không.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh 

Trên cơ sở nội dung Báo cáo số 641/BC-CP ngày 13/10/2024 của Chính phủ về việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) kèm theo hồ sơ Dự án Luật, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban TCNS cho rằng, hồ sơ Dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) chưa đủ điều kiện trình Quốc hội theo quy định. Căn cứ ý kiến chỉ đạo về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, bảo đảm giải quyết các vấn đề sau:

Thứ nhất: Rà soát lại các nội dung đang luật hoá các quy định của văn bản dưới luật và các quy định chi tiết khác không thuộc thẩm quyền Quốc hội, không luật hoá những nội dung đã được quy định tại các nghị định, thông tư một cách phù hợp để bảo đảm Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề về nguyên tắc, ngắn gọn, đơn giản, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện và được áp dụng lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Thứ hai: Rà soát các luật có liên quan (hiện hành và các dự thảo Luật đang được trình Quốc hội) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với chính sách ưu đãi thuế TNDN, thực hiện đúng quy định tại Điều 12 và Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị Chính phủ với vai trò là cơ quan trình chính sách đưa ra quan điểm rõ ràng về chính sách ưu đãi thuế TNDN để có sự nhất quán trong cách tiếp cận, xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư giữa dự án Luật Thuế TNDN và các dự án Luật chuyên ngành khác đang được Quốc hội thảo luận để thông qua trong Kỳ họp này, cũng như giữa dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) với các quy định hiện hành về ưu đãi đầu tư trong quy định pháp luật về đầu tư và các Luật chuyên ngành khác.

Thứ ba: Xây dựng phương án giải quyết những vấn đề còn khoảng trống trong chính sách chưa được làm rõ để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện Luật.

Không đưa vào luật các quy định, nội dung thường xuyên phải điều chỉnh, sửa đổi

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau khi thảo luận nghiêm túc, đánh giá cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt, đối chiếu với chủ trương của Đảng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và của đồng chí Chủ tịch Quốc hội về đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến của cơ quan thẩm tra là dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội theo quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp khi đủ điều kiện và lưu ý theo tinh thần thống nhất giữa Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội đồng ý theo kế hoạch là có báo cáo tại Kỳ họp này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến của Thường vụ Quốc hội tại Thông báo kết luận 4279 ngày 26/9/2024 để hoàn thiện dự án Luật, đặc biệt là yêu cầu:

Một là, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, các mục tiêu, quan điểm thể hiện trong Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Hai là, đảm bảo nguyên tắc chỉ luật hóa các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không đưa vào luật, các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành, các nội dung thường xuyên phải điều chỉnh, sửa đổi.

Ba là, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và các cam kết, các điều ước quốc tế, nhất là các biện pháp khuyến khích đầu tư, ưu đãi đầu tư trong pháp luật về đầu tư.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, làm rõ, bổ sung các ý kiến của cơ quan thẩm tra về hồ sơ dự án Luật; tính cụ thể, đơn giản và khả thi của các quy định trong dự án Luật như tính đồng bộ, thống nhất về hệ thống pháp luật, quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, kỳ tính thuế, doanh thu tính thuế, chi phí được trừ, chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế suất phổ thông và thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; phương pháp tính thuế, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế trong một số trường hợp cụ thể và ưu đãi đối với nhà đầu tư mới thuộc diện áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu; các nội dung khác đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS.

Quá trình hoàn thiện dự án Luật cần tuân thủ quy định theo Nghị quyết số 27 tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Quy định 178 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải giao Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp ý kiến tham gia trong phiên họp và tóm lược nêu trên, thông báo ý kiến kết luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện.

Một số hình ảnh của Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác