Đảm bảo sửa đổi Luật Quảng cáo phù hợp với thực tiễn vận hành của các nền tảng số

08/11/2024

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Quảng cáo cần cập nhật nhanh chóng tình hình phát triển công nghệ, đảm bảo phù hợp với thực tiễn vận hành của các nền tảng trên không gian mạng.

Thảo luận Tổ 8: Tăng cường năng lực, bảo đảm để HĐND Thành phố thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012, cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật. Theo đó, Hồ sơ dự án Luật đảm bảo yêu cầu về thời hạn; các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện một số tài liệu của hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, chính xác. Một số nội dung trong dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất với một số luật có liên quan.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định rằng “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp…”

Theo đại biểu, quy định này hiện đang không phù hợp với thực tiễn vận hành của các nền tảng trên không gian mạng. Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ trên không gian mạng đang được cung cấp tới người dùng mà không hề thu phí sử dụng từ người dùng. Các dịch vụ này mang lại giá trị rất lớn cho người dùng, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, do họ có thể tìm và kết nối với các khách hàng tiềm năng một cách dễ dàng hơn, trong bối cảnh 97% doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Tuy nhiên, các nền tảng trên cũng phải tốn rất nhiều chi phí, nguồn lực để có thể phát triển và vận hành hệ thống công nghệ thông tin, trong khi họ lại không thu phí từ người dùng. Thay vào đó, cách họ có thể kiếm doanh thu là từ quảng cáo, bằng cách cho phép các nhãn hàng quảng cáo trên nền tảng của họ, họ sẽ có dòng tiền để thực hiện trang trải các chi phí vận hành thường xuyên, cũng như đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp sản phẩm mới cho người dùng. Do đó, quảng cáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ tiện ích miễn phí tới người dùng trên không gian mạng hiện nay. Trong khi đó, khoảng thời gian 6 giây là quá ngắn ngủi để có thể thể hiện đầy đủ mọi thông điệp trong một nội dung quảng cáo, giảm bớt hiệu quả của việc quảng cáo.

Đại biểu cho rằng, với hạn chế này, các doanh nghiệp quảng cáo sẽ ngần ngại hơn trong việc hợp tác quảng cáo với các nền tảng, trang thông tin điện tử, do họ không đảm bảo được rằng người xem sẽ tiếp nhận đầy đủ thông điệp quảng cáo của họ. Điều này sẽ làm giảm dòng tiền và doanh thu của các nền tảng, trang thông tin điện tử kể trên, ảnh hưởng tới khả năng họ có thể cung cấp dịch vụ, nội dung miễn phí, và cuối cùng người dùng sẽ bị ảnh hưởng.

Từ những căn cứ này, để hài hoà lợi ích giữa người dùng và doanh nghiệp quảng cáo, đại biểu đề nghị có thể để thị trường tự quyết định mức thời lượng quảng cáo này hoặc điều chỉnh lại quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 như sau: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để người xem có thể tắt quảng cáo; trong thời gian không quá 10 giây (hoặc 15 giây) kể từ khi bắt đầu quảng cáo; và không quảng cáo quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.

Cùng tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu rõ, khoản 2 Điều 28 Luật Quảng cáo hiện hành quy định khi thực hiện quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời không được dùng âm thanh. Dự thảo Luật đã bổ sung thêm yêu cầu khi thực hiện quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời là phải đảm bảo về độ sáng màn hình phải hình tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình chiếu sáng và chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp màn hình có trách nhiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công mạng đối với màn hình chuyên quảng cáo.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Dự thảo luật hiện tại đang giữ nguyên như quy định của Luật Quảng cáo hiện hành đó là “3. Quảng cáo trên màn hình không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này được sử dụng âm thanh theo quy định của pháp luật về môi trường.” Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung khoản 3 theo hướng chủ sở hữu màn hình quảng cáo tại khoản 3 cũng cần phải có trách nhiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công mạng đối với màn hình quảng cáo. Theo đó, viết lại khoản 3 Điều 28 như sau: “3. Quảng cáo trên màn hình không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này được sử dụng âm thanh theo quy định của pháp luật về môi trường và phải áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công mạng đối với màn hình quảng cáo".

Cũng trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát tính trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung các dự án thành phần và các tiểu dự của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa  đang được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp này để phân tích các mục tiêu cụ thể và đề ra giải pháp thực hiện phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi, từ đó đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực nhằm tránh lãng phí nguồn lực, đảm bảo các nội dung chương trình được thực hiện tiết kiệm, hiệu quả

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá tính phù hợp của Chương trình với Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và hệ thống quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Quan tâm làm rõ hơn giải pháp bảo đảm nguồn lực đáp ứng mục tiêu, các chỉ tiêu đặt ra của Chương trình, cơ cấu vốn các dự án thành phần, cơ chế đặc thù phân bổ vốn phù hợp cho các địa phương khó khăn, chưa tự cân đối ngân sách và có tính chất phức tạp về ma tuý.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ tại phiên họp

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tại phiên họp

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tại phiên họp

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tại phiên họp

Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu./.

Hồ Hương - Minh Thành

Các bài viết khác