PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI KẾT LUẬN NỘI DUNG CHẤT VẤN LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

16/03/2022

Kết luận nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận đại biểu Quốc hội chất vấn bám sát nội dung, Bộ trưởng nắm chắc tình hình, giải trình cụ thể. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các nội dung cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý đất đai, quy hoạch và bảo vệ môi trường.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đã có 24 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số câu hỏi có liên quan đến các Bộ trưởng khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm cao, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội đã bám sát vào các nội dung chất vấn. Với kinh nghiệm hơn một nhiệm kỳ công tác và đã từng trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nắm chắc tình hình, trả lời đúng trọng tâm, yêu cầu của đại biểu Quốc hội, giải trình cụ thể, nhận trách nhiệm có liên quan đối với những vấn đề còn bất cập, hạn chế và đề xuất một số giải pháp để khắc phục những bất cập.

Qua chất vấn, làm rõ thêm trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương có liên quan, các doanh nghiệp và toàn xã hội nói chung. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã có trả lời một số vấn đề có liên quan.

Về việc thực hiện Nghị quyết chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai, đô thị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; ban hành các văn bản theo thẩm quyền và tích cực tổng kết, nghiên cứu, đề xuất nhiều nội dung sửa đổi Luật Đất đai, các luật có liên quan đến quy hoạch, quản lý đất đai, đô thị. Công tác quản lý đất đai, đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hệ thống chính sách pháp luật vẫn còn nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ, có nội dung chưa bao quát hết các phát sinh trong thực tiễn. Công tác quy hoạch, kế hoạch phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất còn chậm, còn có quy hoạch treo, dự án treo, gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Vi phạm về đất đai vẫn còn phức tạp, vẫn còn vi phạm trong xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thực hiện giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá. Còn tình trạng lấn chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tự ý phân lô bán nền, chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định dẫn đến có trường hợp phải khởi tố hình sự.

Về trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ đã có nhiều quyết tâm để hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai.  Công tác đấu giá, mua, bán, chuyển nhượng đất đai đã dần đi vào nề nếp, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, tăng nguồn thu phục vụ cho nhu cầu phát triển.

Tuy nhiên, quy định của pháp luật về đấu giá đất chưa đồng bộ, cơ chế để ngăn ngừa trục lợi trong đấu giá đất còn bất cập, chưa đủ mạnh, còn xảy ra gian lận, vi phạm trong đấu giá đất, dìm giá, đấu giá, đầu cơ đất đai, có hiện tượng bỏ giá cao bất thường rồi bỏ cọc, gây dấu hiệu, hiệu ứng tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến thị trường nhà đất, đến thu hút đầu tư, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. Hợp đồng mua bán, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất còn quy định ở nhiều văn bản pháp luật và còn có nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, ảnh hưởng đến tổ chức thực hiện.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Về kiểm soát hoạt động xả thải và xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 và xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, thời gian qua, lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, nguồn ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, làm cho môi trường đất, nước, không khí nhiều nơi bị ô nhiễm, có nơi đến mức nghiêm trọng. Công tác quản lý, xử lý ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt, chất thải rắn cũng như đầu tư xây dựng nhà máy xử lý vẫn còn hạn chế. Nhiều loại chất thải công nghiệp, hóa chất nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải y tế nguy hại, chất thải phòng, chống dịch COVID-19 chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu.

Để khắc phục bất cập, hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận qua giám sát, chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây và phiên họp chất vấn lần này, triển khai hiệu quả các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề:

Một là, bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và yêu cầu của thực tiễn để nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản để khắc phục những vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính.

Khẩn trương hoàn thành hệ thống các quy hoạch quốc gia, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất, hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Hai là, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi. Đặc biệt là quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, thẩm định giá, hình thức đấu giá, việc xử lý các cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường, có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết; sửa đổi phù hợp với các quy định điều chỉnh về quan hệ đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng đặt cọc khi mua, bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai.

Ba là, thực hiện tốt các chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, sớm phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm, thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu gom, xử lý nước thải, rác thải.

Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực gồm cả nguồn lực xã hội hóa cho công tác thu gom, xử lý, tái chế chất thải, trong đó ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý, tái chế thân thiện môi trường, công nghệ xử lý chất thải rắn, thu hồi năng lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm chỉ đạo để tạo sự chuyển biến cụ thể, rõ nét trong thực tế; các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện./.

Bảo Yến - Minh Thành

Các bài viết khác