GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG: RÀ SOÁT TOÀN DIỆN, KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

14/03/2023

Ngày 14/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: GIÁM SÁT THỰC CHẤT, HIỆU QUẢ, NHẬN DIỆN ĐẦY ĐỦ VẤN ĐỀ ĐỂ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỪA CÓ LÝ, CÓ TÌNH

ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ, NGÀNH VỀ HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Dự buổi làm việc về phía Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Phó Trưởng đoàn giám sát; các thành viên và khách mời Đoàn giám sát. Về phía các bộ, ngành có lãnh đạo các Bộ, ngành: Y tế, Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Y tế cơ sở, y tế dự phòng đã trải qua đợt “thử thách” chưa từng có.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, theo chương trình làm việc, ngày 13/3, Đoàn giám sát đã làm việc với các bộ, ngành về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ngày 14/3, Đoàn giám sát tiếp tục làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, nếu làm tốt được hai khâu này thì ngành y tế sẽ hoạt động hiệu quả và làm tốt hơn công tác chăm sóc sư khỏe Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định những năm qua y tế cơ sở, y tế dự phòng ở Việt Nam có nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào công cuộc chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trải qua đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng đã trải qua đợt “thử thách” chưa từng có, đây là dịp để đánh giá những lợi thế cũng như bất cập của y tế cơ sở và y tế dự phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành viên Đoàn giám sát tập trung dành thời gian xem xét, đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong đó chú trọng đến nguồn nhân lực, khả năng ứng phó với tình hình dịch bệnh trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp và trong điều kiện bình thường, các cơ chế chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, chế độ phụ cấp, mô hình tổ chức và quản lý…; đề nghị lãnh đạo các bộ: Y tế, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam… báo cáo thêm các nội dung thành viên Đoàn giám sát nêu.

Kiến nghị xây dựng Luật phòng bệnh khắc phục khoảng trống trong pháp luật hiện hành.

Báo cáo với Đoàn giám sát, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về y tế cơ sở tương đối đầy đủ, các văn bản được ban hành đã bảo đảm tính phù hợp, khả thi và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bảo đảm tính hợp hiến, xây dựng đúng thời gian, kịp thời để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Các chính sách về y tế cơ sở liên quan đến tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ cũng như chế độ đãi ngộ để thu hút và duy trì nhân lực cho y tế cơ sở đã được triển khai kịp thời. Kết quả, mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp, tất cả các huyện đều có trung tâm y tế huyện/bệnh viện huyện đóng trên địa bàn, 100% xã có trạm y tế xã. Trên 80% trạm y tế xã trên toàn quốc đã có bác sỹ làm việc tại trạm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương báo cáo với đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong khám chữa bệnh ban đầu. Trên 80% người dân có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã và huyện. Tỷ lệ người dân khám chữa bệnh tại bệnh viện huyện và xã chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến (trên 70%). Việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã làm tăng tính tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ngay tại tuyến cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nêu một số bất cập trong cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở như công tác chăm sóc sức khỏe đang tập trung nhiều tới điều trị cho người bị bệnh tại các cơ sở y tế, chưa thực hiện tốt việc quản lý các yếu tố nguy cơ, sàng lọc phát hiện bệnh sớm cũng như quản lý bệnh tăng huyết áp đái tháo đường tại trạm y tế xã. Năng lực cung ứng dịch vụ y tế của y tế cơ sở còn hạn chế; nhân lực y tế tại tuyến cơ sở thiếu các chức danh như bác sỹ, y học cổ truyền, dược sỹ trung học. Bên cạnh đó là những khó khăn về nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở, mô hình tổ chức, mô hình quản lý các trung tâm y tế huyện, bất cập trong cơ chế chính sách thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế…

Đối với y tế dự phòng, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong khống chế dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế, ngăn chặn đẩy lùi và thanh toán như Ebola, Mers-CoV trong điều kiện các nước trong khu vực có dịch. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế được dịch SARS, cúm A(H1N1) được thế giới đánh giá cao.  

Việt Nam được công nhận loại trừ bênh giun chỉ bạch huyết; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0.3% và giảm người nhiễm mới bền vững trong 5 năm qua; Việt Nam giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm cũng được ưu tiên như bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nêu lên một số tồn tại hạn chế, như tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi dịch COVID-19 chưa kết thúc, nhiều dịch bệnh có xu hướng tăng. Hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Công tác truyền thông phòng, chống dịch thường bị động, lúng túng, nhất là khi có dịch…

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực y tế cơ sở; kiến nghị Quốc hội tiếp tục thực hiện chức năng giám sát đối với việc thực hiện các chính sách về y tế cơ sở; xem xét bổ sung một số dịch vụ sàng lọc có tính chi phí hiệu quả vào phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, kế thừa chính sách của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành, Bộ Y tế kiến nghị xây dựng Luật phòng bệnh để giải quyết các khó khăn, bất cập và những khoảng trống trong pháp luật hiện hành…

Cũng tại buổi làm việc, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Lãnh đạo Bộ Nội vụ báo cáo với Đoàn giám sát về công tác phân bổ, tuyển dụng biên chế, nhân lực y tế; tác động của tinh giản biên chế với ngành y tế trong bối cảnh già hóa dân số, di cư tăng nhanh và mô hình dịch bệnh thay đổi. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về công tác phối hợp thực hiện chính sách pháp luật về y tế trong trường học.

Tăng cường vai trò khám bệnh, chữa bệnh ở trạm y tế xã, phường.

Thảo luận về nội dung làm việc, đa số thành viên Đoàn giám sát đồng tình với nội dung báo cáo của các Bộ đúng với yêu cầu trong đề cương Đoàn giám sát nêu; đồng thời, nhấn mạnh vai trò quan trọng, sự đóng góp to lớn của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong phòng, chống đại dịch COVID-19.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai, thành viên Đoàn giám sát nêu quan điểm, sau hoạt động giám sát sẽ đề xuất được những giải pháp để tăng cường hiệu lực của y tế cơ sở, y tế, nhưng các nội dung kiến nghị của Bộ Y tế không giải quyết được những tồn tại, vướng mắc hiện nay. Bởi qua giám sát tại địa phương cho thấy, thời gian qua lĩnh vực này chưa thực sự được quan tâm vì đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế và thiếu hướng dẫn hoạt động cụ thể.

Theo báo cáo của nhiều địa phương đều khẳng định bảo đảm chi tối thiểu 30% cho y tế dự phòng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai bày tỏ băn khoăn về số liệu này vì thực tế y tế dự phòng ở nhiều nơi còn rất khó khăn, thiếu thốn; đề nghị báo cáo cụ thể về tổng số chi, từ đó làm cơ sở xem xét có thực hiện đúng Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân hay không.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Danh Tú, thành viên Đoàn giám sát.

Ý kiến của thành viên Đoàn giám sát cũng đưa ra nhận định, vai trò của y tế xã, phường ngày càng tụt lùi, nhất là vai trò khám chữa bệnh. Một trong những nguyên nhân là những chính sách được ban hành chưa thực sự khuyến khích hoạt động khám chữa bệnh ở tuyến xã; việc cung ứng thuốc đến tuyến xã không được bảo đảm. Đại biểu đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu mô hình y tế cơ sở là cánh tay nối dài của tuyến huyện, định kỳ cử bác sỹ tuyến huyện xuống khám bệnh, chữa bệnh, nhưng để làm được điều này cần gỡ cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế.

Trong vòng 10 năm, mô hình tổ chức và quản lý của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng thay đổi 3 lần nhưng vẫn hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong cả nước. Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Danh Tú, thành viên Đoàn giám sát cho biết: Hiện vẫn còn 3 tỉnh có mô hình Trung tâm y tế trực thuộc UBND quận, huyện; còn 4 tỉnh Trung tâm Dân số nằm ngoài Trung tâm y tế. Đối với trạm y tế cũng có nhiều mô hình tổ chức và quản lý khác nhau, có nơi sát nhập trạm y tế với phòng khám đa khoa khu vực và trung tâm y tế huyện. Đại biểu băn khoăn liệu chức năng dự phòng sau khi sát nhập có được thực hiện đầy đủ. Tương tự, ở nhiều địa phương tiến hành sát nhập các trung tâm có chức năng dự phòng để thành lập trung tâm CDC cấp tỉnh liệu có thực hiện đồng đều và toàn diện các chức năng khi tiến hành sát nhập, đại biểu đề nghị Bộ Y tế báo cáo thêm.

Về biên chế cho ngành y tế, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, biên chế ngành y tế là 209 nghìn nhưng đến năm 2026 giảm 14,3% nhưng Thông tư 03 của Bộ Y tế nêu định biên tối thiểu với địa bàn loại 1 (5 nghìn dân) có 5 biên chế và tăng lên theo số dân. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đề nghị giao cho địa phương quyền tự chủ trong công tác tổ chức và phân bổ định biên để phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở.

Các ý kiến tại buổi giám sát cũng đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan báo cáo thêm về một số chính sách liên quan đến y tế học đường, giá dịch vụ y tế dự phòng, cân đối tự chủ trung tâm y tế tuyến huyện, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và quản lý sức khỏe…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp thu ý kiến thành viên Đoàn giám sát nêu, theo đó Bộ sẽ đánh giá toàn diện về hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng để đề xuất các giải pháp cho giai đoạn mới, đây là cách làm tổng quan để giải quyết toàn diện các tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng báo cáo thêm những nội dung thành viên Đoàn giám sát nêu liên quan đến hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã; về việc giải thể trạm y tế để sát nhập với phòng khám đa khoa khu vực; nguồn lực cho y tế cơ sở và y tế dự phòng và hiệu quả sử dụng nguồn lực dành cho y tế dự phòng; biên chế y tế cơ sở, y tế dự phòng, mô hình cô đỡ thôn bản…

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận các ý kiến đóng góp trách nhiệm của thành viên Đoàn giám sát; báo cáo của các bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát, đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo, cập nhật số liệu, phụ lục theo ý kiến thành viên Đoàn giám sát nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, y tế cơ sở và y tế dự phòng thời gian qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của toàn dân, nhờ vậy lĩnh vực này có bước tiến lớn, đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Mặc dù mô hình tổ chức đã thay đổi 3 lần trong 10 năm nhưng đây không chỉ là tồn tại, hạn chế mà là sự đổi mới, tìm tòi để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn còn tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu như mong muốn; đề nghị trong báo cáo của Bộ Y tế và các bộ, ngành cần bám sát yêu cầu trong đề cương giám sát, cập nhật số liệu theo từng giai đoạn, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong báo cáo cần làm rõ mô hình tổ chức các đơn vị y tế cơ sở, y tế dự phòng, thực tiễn đặt ra các vấn đề mới cần có ứng xử phù hợp; bổ sung số liệu cụ thể trong việc chi cho y tế dự phòng; Làm rõ trách nhiệm của Trung ương, địa phương, Quốc hội, Chính phủ. Báo cáo của các Bộ Y tế cũng cần biểu dương và ghi nhận đóng góp của lực lượng y tế dự phòng, y tế cơ sở là lực lượng nòng cốt, tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19. Đồng thời, tiến hành đợt tổng rà soát để xây dựng chương trình về tăng cường vai trò của y tế cơ sở và y tế dự phòng trong giai đoạn mới.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu mở đầu buổi làm việc.

Thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo nội dung Đoàn giám sát nêu liên quan đến tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế...

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh báo cáo với Đoàn giám sát về công tác phối hợp thực hiện chính sách pháp luật về y tế trong trường học.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát kiến nghị thực hiện đặt hàng dịch vụ công để tăng nguồn thu cho các trạm y tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai, thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu mô hình y tế cơ sở là cánh tay nối dài của tuyến huyện, định kỳ cử bác sỹ tuyến huyện xuống khám bệnh, chữa bệnh.

Phó Chủ nhiêm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh, thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo một số vấn đề liên quan đến nội dung đại biểu nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” phát biểu kết luận buổi làm việc.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác