ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ, NGÀNH VỀ HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

13/03/2023

Chiều ngày 13/3, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội với các Bộ, ngành về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, các ý kiến đề nghị các bộ, ngành làm rõ nội dung liên quan đến việc huy động nguồn lực ngân sách Nhà nước, nguồn lực xã hội, quỹ vaccine, sở hữu toàn dân; mượn trang thiết bị vật tư tiêu hao; giá gói thầu; cân đối nguồn lực Trung ương và địa phương, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh...

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: GIÁM SÁT THỰC CHẤT, HIỆU QUẢ, NHẬN DIỆN ĐẦY ĐỦ VẤN ĐỀ ĐỂ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỪA CÓ LÝ, CÓ TÌNH

Dự buổi làm việc về phía Đoàn giám sát có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trường Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Phó Trưởng đoàn giám sát; các thành viên và khách mời Đoàn giám sát. Về phía các bộ, ngành có lãnh đạo các Bộ: Y tế, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

Toàn cảnh Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành.

Đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Liên quan đến việc huy động nguồn lực, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát cho rằng, vai trò của Bộ Tài chính rất quan trọng, đặc biệt là các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp nhanh chóng giúp giải quyết khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn một số chính sách gây ra khó khăn trong quá trình thực hiện như giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế chỉ được áp dụng cho người nộp thuế phát sinh số thuế phải nộp, trong khi đó lượng lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất kinh doanh hoặc không có lợi nhuận mà không có phát sinh số thuế phải nộp nên chưa được hưởng lợi từ chính sách này…

Về vấn đề: Bộ Tài chính có đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và đã đánh giá tác động có cụ thể đến từng nhóm đối tượng này không? Đại biểu cho rằng, nội dung trong báo cáo của Bộ Tài chính còn khiêm tốn, chưa chỉ ra được những hạn chế, những tác động của chính sách với người dân và doanh nghiệp. Báo cáo của Bộ Tài chính cũng không nêu được những vướng mắc liên quan đến công tác chuẩn bị nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 trong đó có vấn đề đặt hàng xét nghiệm. Bởi qua giám sát cho thấy, hầu hết các địa phương đều gặp vướng mắc trong đặt hàng xét nghiệm, thanh quyết toán dịch vụ đặt hàng xét nghiệm trong quá trình triển khai các hoạt động cấp bách khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội điều hành nội dung thảo luận.

Tương tự, vấn đề mượn trang thiết bị y tế, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; vấn đề xác lập sở hữu toàn dân đối với các khoản tài trợ trong phòng, chống dịch; khó khăn trong xử lý tài sản hình thành trong thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 như bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung… cũng được thành viên Đoàn giám sát nêu. Đến nay nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn, chưa có phương án giải quyết, cần được hướng dẫn kịp thời, nhất là sự vào cuộc của Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

Thành viên Đoàn giám sát cũng nêu bất cập trong công tác mua sắm, sử dụng vốn nhà nước, trong đó vấn đề lớn nhất hiện nay của các địa phương đang gặp khó là xác định giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế - đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều sai phạm do chưa xác định đúng giá gói thầu.

Thực hiện chính sách an sinh xã hội chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.

Đối với vai trò của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong thực hiện chính sách về an sinh xã hội, đại biểu nêu thực tế nguồn lực phân bổ trong lĩnh vực này rất lớn nhưng kết quả thực hiện chậm hơn nhiều so với dự kiến, như chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm chỉ bằng 0.87% tổng số tiền. Đại biểu Đinh Ngọc Quý nêu quan điểm, qua kinh nghiệm phòng chống dịch cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lao động rất quan trọng, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cần báo cáo thêm về việc kết nối công nghệ thông tin trong việc quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, quản lý lao động, đặc biệt là lao động tự do như thế nào để việc hỗ trợ người lao động được nhanh chóng, kịp thời trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đối với trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, có ý kiến cho rằng trong nội dung báo cáo chưa nêu được những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất. Qua làm việc với các doanh nghiệp và chi nhánh các ngân hàng thương mại, có nhiều nội dung vướng mắc được nêu ra như khó khăn trong việc xác định khách hàng có khả năng phục hồi, việc xác định khách hàng có thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, có một số khách hàng kinh doanh nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi.

Phần lớn các chi nhánh ngân hàng thương mại phản ánh, sau khi rà soát không có khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo làm rõ nội dung này?. Đại biểu Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát nêu thực tế đến cuối năm 2021, còn 52/100 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thực hiện hoặc giữ nguyên mức lãi suất các khoản vay đối với khách hàng; mặt bằng chênh lệch bình quân lãi suất cho vay và tiền gửi luôn có xu hướng tăng và ở mức cao… Ngân hàng Nhà nước làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong điều hành lãi suất trong năm 2020 và 2021.

 Sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội.

Để giải quyết vướng mắc của các địa phương hiện nay liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024.

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 nhưng qua giám sát ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa thanh toán hết số nợ liên quan đến dịch bệnh COVID-19, còn nhiều khoản không bóc tách được giữa chi phí điều trị COVID-19 và chi phí điều trị khác, việc thành lập các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến còn nhiều bất cập... Những vấn đề này vẫn chưa có số liệu cụ thể từ địa phương cũng như Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Đại biểu đề nghị làm rõ số liệu cụ thể ngân sách Trung ương nợ chưa thanh toán, quyết toán cho địa phương, việc mua quá số lượng vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế; tiến độ giải quyết vướng mắc theo Nghị quyết 80 của Quốc hội đến thời điểm này.

Một số đại biểu đề nghị Bộ Tài chính làm rõ những khó khăn của các địa phương về công tác chuẩn bị nguồn lực phòng chống COVID-19, cũng như những hướng dẫn cụ thể nào để giải quyết “nút thắt” đó. Bộ Tài chính cũng cần có hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Luật trưng mua, trưng dụng tài sản để tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương trong trường hợp dịch bệnh cấp bách. Đây cũng là cơ sở pháp lý để các địa phương có thể giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Có ý kiến của Đoàn giám sát cho rằng, các kiến nghị trong báo cáo của các bộ ngành chỉ đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Đấu thầu trong khi những vướng mắc chủ yếu hiện nay liên quan đến Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Ngân sách nhà nước. Đại biểu khẳng định, nếu các bộ, ngành không có kiến nghị cụ thể thì việc giải quyết những vướng mắc này chỉ là tình thế, tạm thời. Hơn nữa, hầu hết những vướng mắc, khó khăn xảy ra ở cơ sở, nhưng báo cáo của các bộ, ngành chưa nêu cụ thể về vướng mắc của địa phương, đề nghị cần tổng hợp để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo về một số vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu.

Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo một số bộ đã báo cáo thêm về những nội dung thành viên Đoàn giám sát nêu. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng báo cáo với Đoàn giám sát về việc huy động nguồn lực ngân sách Nhà nước; Quỹ vaccine; quy định về sở hữu toàn dân; mượn trang thiết bị đặc biệt là vật tư tiêu hao; giá gói thầu; cân đối nguồn lực Trung ương và địa phương; việc chuyển nguồn đối với kinh phí chưa sử dụng hết; đánh giá tác động chính sách thu... Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát bổ sung các nguyên nhân khách quan, chủ quan của các tồn tại, bất cập; đồng thời tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi chính sách pháp luật liên quan như Luật Ngân sách, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình những vấn đề đại biểu nêu liên quan đến chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; sự thiếu thống nhất về số liệu giữa các bộ; Quỹ vaccine, mối quan hệ của Quỹ vaccine ở Trung ương và địa phương; mua thuốc dự phòng phục vụ công tác phòng, chống dịch; mượn vật tư tiêu hao...

Phát biểu kết luận nội dung buổi làm việc về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát cảm ơn các bộ, ngành tham gia buổi làm việc, báo cáo, tiếp thu, giải trình đẩy đủ các vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu. Đây là trách nhiệm chung nhằm có số liệu tổng quát, báo cáo Quốc hội để có sự nhìn nhận đánh giá khách quan, trung thực nhằm ghi nhận thành tích đạt được của các lực lượng tham gia chống dịch và của toàn dân, từ đó Quốc hội ban hành nghị quyết tạo sự chuyển biến, khắc phục tồn tại, đề ra nhiệm vụ trọng tâm, dự phòng cho những tình huống trong tương lai, tránh sự lúng túng như thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung làm việc về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nghe 4 bộ, cơ quan báo cáo bằng văn bản, 13 lượt ý kiến của thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến, đặt câu hỏi, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan kiểm toán, Ngân hàng Nhà nước, các bộ đã phát biểu làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát nêu. Tuy nhiên, có sự thiếu thống nhất trong các báo cáo của bộ, ngành về số liệu thống kê và nhận định nhận định... cần được đánh giá, thống nhất để đánh giá khách quan, toàn diện.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Bộ, ngành cần bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, đánh giá kỹ, rà soát tình hình, phân kỳ giai đoạn trước khi có Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV và sau khi có Nghị quyết này thì việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID -19 ra sao, trên cơ sở đó, hoàn thiện lại báo cáo gửi Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, trong kiến nghị của các Bộ, ngành cần làm rõ các vướng mắc, giải pháp đối với trường hợp xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản, trang thiết bị phòng, chống dịch COVID – 19; việc chuyển nguồn thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch sang khám chữa bệnh thông thường; việc thanh toán, quyết toán và bàn giao các cơ sở thu dung, bệnh viện dã chiến. Vấn đề gì giải quyết được ngay, Chính phủ cần khẩn trương khắc phục, không chờ đến khi có Nghị quyết giám sát của Quốc hội.

Theo chương trình, ngày 14/3, Đoàn giám sát của Quốc hội tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội với các Bộ, ngành về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với các bộ, ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường điều hành nội dung thảo luận.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý, thành viên Đoàn giám sát khẳng định, nếu các bộ, ngành không có kiến nghị cụ thể thì việc giải quyết những vướng mắc này chỉ là tình thế, tạm thời. 

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch, thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Các thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long báo cáo nội dung thành viên Đoàn giám sát nêu liên quan đến chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh báo cáo với Đoàn giám sát về việc huy động nguồn lực xã hội vào công tác phòng, chống dịch bênh 

Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành báo cáo thêm về những vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận nội dung làm việc.

Lan Hương - Nghĩa Đức