PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ HỘI NGHỊ THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

31/08/2021

Sáng ngày 31/8, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cảnh sát cơ động. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đến dự và chỉ đạo phiên họp.

 

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu khai mạc Phiên họp

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên thẩm tra sơ bộ, về phía Ban soạn thảo có Thiếu tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban soạn thảo Luật Cảnh sát cơ động; Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đại diện Bộ Quốc phòng; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các Bộ có liên quan.

Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, dự án Luật Cảnh sát Cơ động là một trong bảy dự án luật đầu tiên trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây. Đây cũng là dự án Luật đầu tiên mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh khóa XV được giao chủ trì thẩm tra. Với tinh thần tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm tới công tác lập pháp. Trước đó, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đặc biệt quan tâm đến chất lượng xây dựng các dự án luật, trong đó có dự án Luật Cảnh sát cơ động. Cũng trước phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã tổ chức các buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo dự án luật để nghe báo cáo, cho ý kiến về công tác xây dựng dự án Luật, công tác chuẩn bị thẩm tra dự án.

Trung tướng Phạm Quốc Cương - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Thường trực Ban soạn thảo Luật, báo cáo Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Cảnh sát Cơ động

Báo cáo Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Cảnh sát Cơ động, Trung tướng Phạm Quốc Cương - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Thường trực Ban soạn thảo Luật cho biết, Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động năm 2013 là cơ sở pháp lý quan trọng để Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang xử lý kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ, góp phần bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH. Tuy nhiên trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với lực lượng CSCĐ ngày càng nặng nề hơn, yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho CSCĐ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao.

Theo đó, Dự thảo Luật gồm 5 chương, 32 điều, trong đó đã bổ sung 1 điều quy định về hợp tác quốc tế của Cảnh sát Cơ động; bổ sung 3 nhiệm vụ mà thực tế Cảnh sát Cơ động đang thực hiện, trong đó có việc huấn luyện bồi dưỡng điều lệnh quân sự võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với CSCĐ và cán  bộ, chiến sỹ học viên trong Công an nhân dân; huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuốc các ngành, địa phương; huấn luyện, đào tạo về công tác bảo vệ cho các cơ quan, tổ chức ngoài ngành Công an. Dự thảo Luật cũng bổ sung 2 quyền hạn cho CSCĐ gồm: (1) Được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thuyền trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hang đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; trường hợp cấp bách để giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp về ANTT theo điều động của cấp có thẩm quyền. (2) Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh trình bày Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban về dự án Luật Cảnh sát Cơ động

Thay mặt Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh trình bày Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban về dự án Luật Cảnh sát Cơ động. Theo đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát Cơ động nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh hiện hành, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất góp phần xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình hình mới. Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

Cũng theo Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; các quy định trong dự thảo Luật cơ bản có tính khả thi. Thường trực Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như dự thảo Luật Chính phủ trình. Tuy vậy, nên làm rõ hơn tính cấp thiết về đặc thù của lực lượng CSCĐ trong Dự thảo để thấy sự khác biệt với các lực lượng cũng đang được điều chỉnh trong Luật Công an nhân dân; đồng thời nên bổ sung thêm vào hồ sơ dự án Luật báo cáo đánh giá tác động về 4 chính sách mà 1 số quy định được bổ sung so với Pháp lệnh hiện hành.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Phiên họp 

Tại phiên thẩm tra sơ bộ, các đại biểu tham gia đã tập trung cho ý kiến về các nội dung liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát cơ động; tổ chức hoạt động; cơ chế phối hợp, quan hệ công tác; việc lồng ghép các chính sách về bình đẳng giới, kỹ thuật lập pháp trong dự thảo và hồ sơ dự án Luật. Các ý kiến cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát về phạm vi hoạt động của Cảnh sát Cơ động cũng như các quy định của lực lượng này trong dự thảo để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh trùng lắp, chồng chéo với các luật khác như: Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Phòng, chống thiên tai…

Phát biểu tại buổi thẩm tra dự án luật, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nhất trí với một số nội dung nêu trong Tờ trình và dự thảo luật cũng như ý kiến ban đầu của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đồng thời bày tỏ tâm đắc với nhiều ý kiến phát biểu thảo luận rất sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Ban soạn thảo đã tích cực chuẩn bị dự án luật, hồ sơ bước đầu tương đối đầy đủ, rất công phu và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh. Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng đã tích cực, chủ động để chuẩn bị cho việc thẩm tra sơ bộ dự án luật này.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp 

Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết nâng từ Pháp lệnh lên thành Luật Cảnh sát Cơ động (cả về cơ sở về chính trị, pháp lý) để thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan, vừa tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này thực hiện các nhiệm vụ của mình theo Đề án đã được Chính phủ ban hành nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng Cảnh sát Cơ động đến năm 2025 và tâm nhìn đến 2030. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở những vấn đề cần lưu tâm trong phạm vi dự án Luật này, trong đó có việc cụ thể hóa Hiến pháp về hạn chế quyền công dân trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, những bất cập sau thời gian thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động không chỉ đối với chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật mà kể cả trong tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quán triệt rõ 5 quan điểm chỉ đạo về đổi mới lập pháp:

Thứ nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thể chế kịp thời đường lối chủ trương và vì mục tiêu, vì con người theo phương châm là nhân dân, nhân đạo, nhân văn, quyền con người được pháp luật bảo đảm.

Thứ hai là tạo lập một cái hành lang pháp lý để điều chỉnh tất cả các hành vi của con người đồng bộ.

Thứ ba là tạo đột phá, chuyển từ cái tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo và phát triển. Có nghĩa là không phải thấy cái gì nó bất hợp lý là cấm thấy gì, quản không được là cấm

Thứ 4 là xây dựng dự án Luật phải bảo đảm dân chủ, thực chất và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào tham gia xây dựng luật.

Thứ năm là tôn trọng luật pháp quốc tế, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận quốc tế mà chúng ta tham gia ký kết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhắc lại yêu cầu, đây là một trong 7 luật đầu tiên được cho ý kiến của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cho nên Luật Cảnh sát cơ động phải đạt độ mẫu mực về quy trình, đạt được sức sống của luật chứ không phải luật khung luật ống. Những gì đã rõ, đã chín thì quy đinh, chưa rõ thì chỉ đạo thí điểm rồi mới đưa vào luật.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải trình tất cả các ý kiến phát biểu, trong đó cần nêu rõ sự cần thiết nâng Pháp lệnh thành Luật cho thuyết phục. “Cần quan tâm cái gì là cái cốt lõi của nó? Phải chăng là thể chế hóa đường lối hay cụ thể điều mấy của Hiến pháp về quyền con người bị hạn chế trong điều kiện cần thiết? Vậy cần hiểu thế nào là sự cần thiết, trường hợp nào thì sử dụng lục cảnh sát cơ động... đấy mới là cái cốt lõi mà chúng ta phải bám sát, từ đó mới triển khai, mới đúng tinh thần”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ đánh giá tác động của dự án luật đến kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước, vấn đề bình đẳng giới, trong đó dự báo được trước chế độ đặc thù của CSCĐ phải phù hợp với Nghị quyết 27/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện bảng lương mới từ 01/7/2022. Vì đây là luật liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của nhiều lực lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại hồ sơ dự án Luật để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột trong thực thi nhiệm vụ các lực lượng.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp 

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Phạm vi hoạt động Cảnh sát cơ động không được trùng với các lực lượng khác. Hai là trường hợp nào sử dụng cảnh sát cơ động? Bởi vì nó là đặc biệt, mà đặc biệt không thể lúc nào cũng dùng. Chúng ta xây dựng lực lượng này là thiện chiến nhất, đặc biệt nhất, đặc nhiệm nhất để khi các lực lượng khác và các biện pháp khác của ngành Công an không đủ sức răn đe và khống chế để đưa lại sự ổn định, TTATXH thì mới dùng đến lực lượng này, đấy mới là bản chất của lực lượng này, chúng ta phải thiết kế theo cách đó. Cho nên, đề nghị các đồng chí rà soát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền, phạm vi hoạt động, trường hợp sử dụng và cái gọi là cấp bách huy động. Vậy cấp bách là gì? Cấp bách như thế nào? Huy động ở đây không chỉ là phương tiện mà huy động cả nguồn lực có nghĩa cả nhân lực, vật lực và tài lực để giải quyết tình hình trong tình trạng cấp bách”.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát quy định về hộ thống tổ chức, quan hệ công tác, cơ chế phối hợp, chủ trì để phù hợp với các quy định của các luật có liên quan. Trên tinh thần vì nước, vì dân, không phải việc “của anh, của tôi”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý việc xây dựng Luật Cảnh sát Cơ động phải bảo đảm bảo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, đúng Hiến pháp, pháp luật, sát thực tiễn nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện với khả năng của nền kinh tế, của đất nước. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bước đầu, hồ sơ dự án Luật đã đáp ứng được một số yêu cầu theo quy định của Luật ban hành, vi phạm quy phạm pháp luật. Nếu tiếp thu ý kiến các đại biểu phát biểu; rà soát, bổ sung và giải trình nghiêm túc, hợp lý, có thể trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị sau phiên họp này, Ban soạn thảo nghiên cứu để có những dự kiến tiếp thu. Việc gửi tài liệu báo cáo kèm theo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải nêu cao trách nhiệm giải trình và tiếp thu tối đa; đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra sơ bộ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội../

Khắc Phục

Các bài viết khác