PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ LỄ KÝ QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH VỚI BỘ QUỐC PHÒNG

11/09/2021

Sáng ngày 11/9, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị về công tác xây dựng pháp luật và Lễ ký Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Bộ Quốc phòng.

 

Dự và chỉ đạo Hội nghị có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị về phía Quốc hội có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban; Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh; lãnh đạo Vụ Quốc phòng-An ninh thuộc Văn phòng Quốc hội và Tổ biên tập xây dựng Quy chế.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu khai mạc 

Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, cuộc họp để trao đổi về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa do Bộ Quốc phòng đề nghị và Tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan. Đây là 2 nội dung rất quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Bộ Quốc phòng. Việc trao đổi thống nhất trước được chương trình xây dựng pháp luật sẽ giúp cho hai cơ quan chủ động trong công việc, từ đó việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sẽ thuận lợi và đạt chất lượng cao hơn. Việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Bộ Quốc phòng là yêu cầu cần thiết đặt ra hiện nay, vì quá trình thực hiện Quy chế ký năm 2013 đến nay đã có nhiều chủ trương mới của Đảng, luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành và đòi hỏi của tình hình thực tiễn; đồng thời tạo sự gắn kết giữa Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh với các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng.

Theo đại diện Bộ Quốc phòng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng luôn được Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, tập trung mọi nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế theo tinh thần các Nghị quyết, kết luận của Đảng, quản lý của Nhà nước về quốc phòng; góp phần củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về quốc phòng và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Trung ương, của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thông qua nhiều Luật, Nghi quyết và tổ chức thi hành chặt chẽ, đúng pháp luật.

Tại Hội nghị, các đại biểu và các đồng chí trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Bộ Quốc phòng đã thông tin, trao đổi về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Bộ Quốc phòng đề nghị, cũng như sự hợp tác giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Bộ Quốc phòng để góp phần thể chế chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới và Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Bộ Quốc phòng

Dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang và các đại biểu tham dự buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới và Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Bộ Quốc phòng. Theo đó, nội dung phối hợp giữa 2 bên gồm: Phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật; Phối hợp trong hoạt động giám sát, khảo sát; Phối hợp trong việc tham mưu và kiến nghị liên quan đến lĩnh vực Quốc phòng; Phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và Phối hợp về công tác cán bộ.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tich Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao kết quả hoạt động, phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Bộ Quốc phòng cả về xây dựng pháp luật, giám sát và các hoạt động khác của Quốc hội cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với 13 văn bản luật và dưới luật đã được ban hành trong 8 năm thực hiện Quy chế đã ký giữa 2 bên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, so với các cơ quan làm luật chung của nhà nước, Bộ Quốc phòng là một trong những cơ quan hình mẫu về việc phối hợp sớm với Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Tuy vậy, tình hình, nhiệm vụ phát triển đất nước trong điều kiện thế giới, khu vực và trong nước trong những năm tới, đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc phối hợp giữa 2 cơ quan.  

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tich Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao kết quả hoạt động, phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Bộ Quốc phòng..

“Vì vậy, việc Ủy ban Quốc phòng và An ninh với Bộ Quốc phòng ký Quy chế phối hợp là rất cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, chức năng theo quyền hạn được giao, phát huy được cao nhất trí tuệ, trách nhiệm, sự chia sẻ, đồng thuận trong công việc, vì mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc phòng và lợi ích quốc gia, dân tộc. Từ đây có điều kiện để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, trong đó có vai trò của các đại biểu Quốc hội trong và ngoài quân đội đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”, Phó Chủ tich Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý, quá trình chuẩn bị xây dựng các dự án, dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về lĩnh vực quốc phòng, quân sự có tính đặc thù. Vì vậy cần làm rõ để tạo sự đồng thuận ngay từ khi xây dựng, soạn thảo đến việc thông tin tới các đại biểu Quốc hội và tuyên truyền tới nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần có sự thống nhất cả trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thi hành; sơ kết, tổng kết, đánh giá và tham gia phối hợp hoạt động giám sát, khảo sát. Việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về quốc phòng an ninh thường trong điều kiện rất đặc biệt, do đó đòi hỏi rất cao tư duy đi trước, dự báo sớm, chủ động sớm.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhắc lại quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội về xây dựng pháp luật là phải có định hướng trong 5 năm. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần thực hiện 3 chủ động: “Thứ nhất, chúng ta chủ động dự báo sớm, chia sẻ thông tin để thống nhất nhận định, tham mưu đúng, trúng, kịp thời để Đảng, Nhà nước xử lý, không để bị động, bất ngờ. Thứ hai là chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa trong toàn bộ các khâu, các bước trong quá trình xây dựng dự án luật cũng như giám sát và tham mưu những vấn đề quan trọng của đất nước. Thứ ba là chủ động đến với nhau, không chờ đợi thông tin kịp thời, đầy đủ”.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần làm việc, cầu khẩn trương, chất lượng của các cơ quan tham mưu giúp việc đã tập trung trí tuệ, công sức, chuẩn bị đầy đủ các nội dung phục vụ cho lãnh đạo hai cơ quan ký kết thành công bản Quy chế phối hợp quan trọng này; mong muốn Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu kết luận

Phát biểu bế mạc, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng năm 2022 và toàn khóa Quốc hội XV được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần tập trung lãng đạo, chỉ đạo triển khai sâu sát, hiệu quả. Việc ký Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội với Bộ Quốc phòng là cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại./.

Khắc Phục

Các bài viết khác