PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ BA BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN TIẾP TỤC ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

24/02/2022

Chiều 24/02, tại Nhà Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án chủ trì Phiên họp thứ Ba của Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, để tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại buổi Tọa đàm về dự thảo Đề án.

 

Toàn cảnh phiên họp

Dự phiên họp có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An.

Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 265/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm triển khai chỉ đạo định hướng của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đáp ứng kỳ vọng và lòng tin của Nhân dân vào công tác giám sát của Quốc hội, với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ hoạt động để giám sát thực sự trở thành trọng tâm trong các hoạt động của Quốc hội.

Để triển khai xây dựng Đề án này, Ban Chỉ đạo Đề án đã tổng hợp ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 2 Phiên họp để cho ý kiến bước đầu về dự thảo Đề án, xây dựng, hoàn thiện 13 chuyên đề, tổng hợp xây dựng dự thảo Đề án tổng thể.

Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến chuyên gia về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội tại cuộc họp, ngày 18/02/2022 vừa qua, Ban Chỉ đạo Đề án đã tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Đề án. Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến phát biểu, đa số ý kiến chuyên gia nhất trí với bố cục, nội dung của dự thảo. Đồng thời, đánh giá dự thảo Đề án được chuẩn bị rất công phu, bao quát tất cả những nội dung liên quan đến các hoạt động giám sát, đánh giá khá sát thực trạng công tác giám sát của Quốc hội và đề xuất được nhiều kiến nghị liên quan đến công tác tổ chức thực hiện và sửa đổi quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Ngoài ra có một số ý kiến đề nghị, cùng với việc đánh giá thực trạng của Khóa XIV, cần bổ sung một số kinh nghiệm nổi bật của các khóa trước, gần nhất là Khóa XIII, kinh nghiệm từ đầu Khóa XV đến nay. Một số ý kiến đề nghị tăng cường sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động giám sát. Đối với giám sát chuyên đề, có thể cử các chuyên gia cùng với Tổ giúp việc đi khảo sát trước tại một số địa phương, xây dựng báo cáo tập trung vào những vấn đề còn tồn tại và gửi các thành viên Đoàn giám sát xem xét, quyết định lựa chọn địa bàn đến giám sát.

Ghi nhận những ý kiến sâu sắc và toàn diện của các đại biểu tại Tọa đàm vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng đây là những ý kiến có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát.

Đánh giá cao sự cố gắng của Tổ biên tập, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, các báo cáo của Tổ biên tập nên tiếp cận theo phương thức đánh giá rõ thực trạng, giải pháp (làm rõ chủ thể, nội dung, đối tượng giám sát, phương thức, quy trình, thủ tục giám sát như thế nào), từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, giải pháp. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở một số vấn đề cần tiếp tục xin ý kiến, thảo luận, làm rõ để việc đổi mới giám sát phải thực sự xuất phát từ thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội, được lựa chọn một cách thận trọng, khách quan, khoa học, bảo đảm khả thi; phải gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Thành viên Tổ Biên tập trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến chuyên gia về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội tại cuộc Tọa đàm ngày 18/02/2022 vừa qua

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho ý kiến về một số nội dung của Báo cáo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An đồng tình với nhận định của các chuyên gia rằng dự thảo Đề án đã đánh giá khá sát thực trạng công tác giám sát của Quốc hội và đề xuất được nhiều kiến nghị liên quan đến công tác tổ chức thực hiện và sửa đổi quy định pháp luật.

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên tán thành một số ý kiến của chuyên gia về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

Đánh giá cao sự cố gắng của Tổ biên tập, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng các báo cáo của Tổ biên tập nên tiếp cận theo phương thức đánh giá rõ thực trạng, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, giải pháp./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức