Toàn cảnh phiên họp
Tổ 15 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa.
Dự thảo dự án Luật trình Quốc hội gồm 12 Chương, 111 Điều trong đó: bãi bỏ 03 Điều, sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, bám sát 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; quy định việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của các tổ chức kinh tế hợp tác; chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác; nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức đại diện.
Mục đích sửa Luật là nhằm sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật HTX hiện hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh; giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Đại biểu Quốc hội trong Tổ phát biểu ý kiến
Qua thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; cho rằng hồ sơ của dự án Luật đáp ứng điều kiện trình Quốc hội; bố cục và kết cấu của dự thảo Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung.
Đại biểu Quốc hội Hà Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, trong những năm qua, kinh tế hợp tác đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu lại sản xuất cũng như đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho người lao động. Trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế hợp tác còn ý nghĩa quan trọng hơn, bởi chính sự liên kết, hợp tác trong sản xuất thông qua các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã dẫn đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi sản xuất, chuỗi liên kết sản xuất. Việc hình thành các khu vực kinh tế tập thể đã tạo thuận lợi cho việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật cũng như là công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm, từ từ đó nâng cao chất lượng, số lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Góp ý về tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân- Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa thống nhất với việc sửa tên Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác vì nó phản ánh được thực chất của hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp trong điều kiện doanh nghiệp là tập thể và kể cả doanh nghiệp hợp tác với các doanh nghiệp khác. Đại biểu cho rằng, tên gọi như vậy phù hợp kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Thân, đại biểu Quốc hội Lại Văn Hoàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, Hiến pháp Việt Nam cũng sử dụng khái niệm sở hữu tập thể và kinh tế tập thể khi nói về cơ cấu thành phần kinh tế quốc gia. Do vậy, việc sử dụng tên Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là phù hợp hơn và đáp ứng tính thống nhất với Hiến pháp và các văn bản khác của Đảng.
Ngoài ra, nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Hoàn đề nghị dự thảo luật cần quy đơn giản hóa các thủ tục hành chính như: thành lập, đăng ký, giải thể các hợp tác xã, trong đó khuyến khích mở rộng quy mô, số lượng thành viên, tỷ lệ vốn góp, thành viên, tài sản chung không chia, thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, tỷ lệ cung ứng dịch vụ bên ngoài, thành viên, chế tài xử lý vi phạm luật; các thủ tục thành lập, đăng ký ngành nghề kinh doanh của hợp tác xã, hoàn thiện các quy định tổ chức, chuyển đổi hợp tác xã về công tác chuyển đổi, giải thể, phá sản và đảm bảo quyền lợi của các thành viên…
Bên cạnh đó, bổ sung những quy định về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong các hoạt động của hợp tác xã như xây dựng hệ thống cơ sở trên các nền tảng số; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng công nghệ số cho thành viên, người lao động trong hợp tác xã để sử dụng công nghệ số trong quản lý tài chính, tài sản, quản lý kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhân sự, điều hành.
Đồng thời, cần phân tách các hoạt động giao dịch của hợp tác xã với các thành viên của mình và giao dịch với khách hàng. Theo đó, đối tác bên ngoài không phải là thành viên của hợp tác xã; hợp tác xã trước hết phải ưu tiên cung cấp dịch vụ cho các thành viên của mình nhưng không hạn chế giao dịch của hợp tác xã với các đối tác bên ngoài; bổ sung những quy định, điều kiện cho phép hợp tác xã thành lập doanh nghiệp…
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cũng cần có những quy định phân biệt thành viên chính thức và thành viên liên kết; tiêu chuẩn quyền lợi cũng như trách nhiệm. Bên cạnh đó, cân nhắc bỏ quy định tất cả các thành viên hợp tác xã phải sử dụng các sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã...; đồng thời mở rộng thêm, bổ sung thêm nội dung về chuyển đổi số và hỗ trợ vốn cho các đơn vị tiếp cận các nguồn vốn…
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Tổ 15 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa
Qua thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững
Góp ý về tên gọi của dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân thống nhất với việc sửa tên Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong những năm qua, kinh tế hợp tác đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu lại sản xuất cũng như đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho người lao động
Ngoài ra, nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy đơn giản hóa các thủ tục hành chính như: thành lập, đăng ký, giải thể các hợp tác xã, trong đó khuyến khích mở rộng quy mô, số lượng thành viên...
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cũng cần có những quy định phân biệt thành viên chính thức và thành viên liên kết; tiêu chuẩn quyền lợi cũng như trách nhiệm...