ĐỂ XUẤT ĐỔI TÊN DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI): NHIỀU QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU

01/11/2022

Thảo luận tại Tổ 7 về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vào chiều 1/11, các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm liên quan đến nội dung Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi); một số ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.

THẢO LUẬN TỔ 7: CẦN BỔ SUNG, LÀM RÕ CÁC ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO TRONG DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 7

Dự thảo dự án Luật trình Quốc hội gồm 12 Chương, 111 Điều  trong đó: bãi bỏ 03 Điều, sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật HTX năm 2012, bám sát 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với nội dung chính như: Hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX;…

Liên quan đến tên dự án Luật, Chính phủ nêu 2 phương án xin ý kiến Quốc hội. Theo đó, phương án 1 đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác và phương án 2 là giữ nguyên tên Luật là Luật Hợp tác xã.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tán thành với đề xuất của Chính phủ. Theo đại biểu, việc đổi tên dự luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là cần thiết và phù hợp. “Đây là cách tiếp cận phù hợp, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế này với nội hàm về mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đồng quan điểm, đại biểu Khang Thị Mào, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW xác định: “kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX...); Phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật; Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần “hợp tác” giữa các thành viên của Liên minh HTX Quốc tế;…

Cũng theo đại biểu Khang Thị Mào, việc đổi tên Luật tạo sự phân biệt rõ ràng giữa tên gọi chung của các hình thái tổ chức này là các tổ chức kinh tế hợp tác, với tên gọi riêng của từng loại hình tổ chức kinh tế hợp tác là tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX,…; giúp tránh nhầm lẫn giữa các trường hợp khi “HTX” được dùng với ý nghĩa chỉ là HTX và khi “HTX” được dùng với ý nghĩa bao gồm cả các tổ chức kinh tế hợp tác khác, như tổ hợp tác, liên hiệp HTX,....

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Không đồng tình với đề xuất của Chính phủ, đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị, giữ nguyên tên gọi như đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đại biểu, cần lấy Hợp tác xã là trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các tổ chức kinh tế hợp tác khác, bảo đảm tính ổn định, thống nhất trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có dẫn chiếu đến Luật HTX, không ảnh hưởng đến việc tra cứu, sử dụng và áp dụng luật.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, nên giữ tên gọi như hiện nay là Luật hợp tác xã (sửa đổi). Theo đại biểu, tên gọi này đã được thể hiện trong các dự án luật trước đó. Đồng thời, tên gọi còn liên quan đến yếu tố lịch sử cũng như công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay.

Đại biểu Trần Văn Sáu, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Văn Sáu, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, tên gọi Luật Hợp tác xã đã có từ lâu đời, đảm bảo tương thích trong quy định tại các luật khác. Bên cạnh đó, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội đã đã xác định là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp lưu ý, tránh đánh đồng khái niệm về hợp tác xã, kinh tế hợp tác. Theo đại biểu, giữ tên gọi cũ là hợp lý, dễ hiểu, vẫn đảm bảo đúng tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW./.

Lê Anh - Nghĩa Đức