Chiều ngày 07/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); dự án Luật Giá (sửa đổi) và việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu. Thảo luận ở Tổ 3 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Gia Lai, Ninh Thuận. Đại biểu Đặng Quốc Khánh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang chủ trì phiên họp Tổ.
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3 chiều ngày 07/11.
Đóng góp ý kiến vào Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu quan điểm: So với Luật Đấu thầu năm 2013, dự án Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế.
Đại biểu Siu Hương tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo về việc chi định thầu là cần thiết trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, cần phải hạn chế các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu bởi cơ chế này tồn tại nhiều rủi ro về sự thiếu minh bạch, không tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng, tiềm ẩn xung đột lợi ích gây thất thoát lượng lớn ngân sách Nhà nước và chất lượng dự án không đảm bảo.
Để hoàn thiện hơn quy định pháp luật về chỉ định thầu, đại biểu Siu Hương đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật bãi bỏ quy định tại khoản 4 Điều 6 của Dự án: “Nhà thầu được chỉ định thầu không cần độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính” với chủ đầu tư, bên mời thầu, các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế... Bởi quy định này có thể tạo điều kiện cho các bên dựa vào mối quan hệ riêng để dễ thông đồng, dàn xếp với nhau thắng thầu, phục vụ lợi ích riêng mà không dựa trên uy tín và năng lực thực sự.
Đối với điểm d, khoản 1, Điều 21 của dự án Luật cần phải làm rõ nội hàm tính cấp bách của các dự án, gói thầu được triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Tránh tình trạng một số địa phương, đơn vị thường trình xin áp dụng cơ chế đặc biệt về an ninh, quốc phòng, biên giới lãnh thổ để được giao thầu thực hiện dự án cấp bách nhằm tránh phải đấu thầu công khai, hay khi xin “cơ chế riêng” thì cố chứng minh rằng dự án hết sức cấp bách nhưng sau đó lại ì ạch triển khai...
Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận ở Tổ.
Theo đại biểu Siu Hương, chỉ định thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro trục lợi chính sách, tính thiếu cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà thầu. Do đó, cần phải có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ; có chế tài xử phạt đối với các vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho các cấp quản lý, từ chủ đầu tư, các địa phương cho đến Bộ ngành quản lý; xử lý nghiêm khi các tổ chức, cá nhân cố tình chỉ định thầu gây hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, đại biểu Siu Hương đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật cân nhắc xem xét xây dựng cơ chế giám sát các trường hợp chỉ định thầu để đảm bảo hoạt động chỉ định thầu được tốt hơn, minh bạch hơn.
Bày tỏ quan điểm về nội dung trên, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, trên thực tế thực hiện luật hiện hành năm 2013, đã có những trường hợp việc chỉ định thầu diễn ra dù không thuộc trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 do áp dụng cơ chế đặc biệt để thực hiện các dự án cấp bách để tránh việc đấu thầu. Tuy nhiên, một số nơi khi triển khai lại rất chậm tiến độ. Mặc khác, vấn đề quy định về hạn mức được chỉ định thầu cũng đã dẫn đến hiện tượng xé lẻ gói thầu, chia giai đoạn đầu tư để lạm dụng chỉ định thầu, trúng thầu.
Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, đối với những người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần phải xem xét kỹ lưỡng căn cứ trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu khi đưa ra quyết định vì không ai khác người có thẩm quyền và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm pháp luật về quyết định của mình. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến gói thầu để người dân và các cơ quan thông tin, báo chí có thể tham gia theo dõi, giám sát, thanh tra để phát hiện vi phạm, sai sót về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trái quy định.
Ngoài ra, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, cần sửa đổi quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết đối với dự án BT, BOT, đặc biệt các dự án về cơ sở hạ tầng. Cụ thể về quy trình lựa chọn nhà thầu, trình tự, thủ tục chỉ định, các điều kiện nhà đầu tư, nhà thầu phải đáp ứng và xử lý các sai phạm của nhà đầu tư, nhà thầu. Song hành với đó là cần sửa đổi giảm bớt các thủ tục rườm rà, không cần thiết trong quy trình đấu thầu; đưa ra những quy định rõ ràng hơn thế nào là gói thầu cấp bách, vì lợi ích quốc gia, đặc biệt và giảm bớt tình trạng chỉ định thầu đối với các công trình dùng ngân sách nhà nước. Không quy định về hạn mức chỉ định thầu, tránh tình trạng xé nhỏ gói thầu. Phải có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ, có chế tài xử phạt, trách nhiệm cụ thể đối với các cấp quản lý từ chủ đầu tư đến các bộ, ngành, địa phương.
Cân nhắc không quy định kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến vào dự án Luật Giá (sửa đổi). Đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, Luật giá được Quốc hội thông qua từ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác quản lý điều hành giá và công tác tổng hợp, phân tích dự báo thị trường giá cả. Qua hơn 9 năm thực hiện, Luật đã góp phần vào công tác ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần phải nghiên cứu sửa đổi để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.
Để góp phần hoàn thiện vào dự án luật, đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho ý kiến vào Khoản 1, Điều 42 về kinh phí bảo đảm công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường. Theo đó, tại khoản 1 dự thảo quy định: “Kinh phí hỗ trợ hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và hoạt động quản lý, điều hành giá được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước của các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ. Bộ Tài chính quy định về nội dung, định mức chi, dự toán và quyết toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước”.
Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, hiện nay, các hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và hoạt động quản lý, điều hành giá do các cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý, cơ quan chức năng thực hiện và được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước theo quy định. Nếu nay quy định thêm kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động này như dự án luật sẽ dẫn đến tình trạng khi Luật có hiệu lực, các cơ quan chức năng sẽ hiểu khác nhau là có 2 nguồn kinh phí cho các hoạt động, sẽ tạo nên sự bất hợp lý, không công bằng. Vì vậy, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không quy định kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động nêu trên như quy định của dự án Luật.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu quan điểm về Luật Giá (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Đinh Ngọc Quý - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, dự án Luật cần khắc phục được tình trạng giá giá của mỗi lĩnh vực lại do các Sở ngành làm, sẽ dẫn đến sự phân tán. Bởi mỗi mặt hàng, lĩnh vực có đặt thù khác nhau nên cách tổ chức quy định giá như thế nào cần có sự thống nhất. Các Bộ ngành có trang thông tin cơ sở dữ liệu về giá khác nhau. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu của các Bộ ngành về giá có đáp ứng với cơ sở dữ liệu quốc gia có kết nối liên thông, cơ chế pháp lý để đảm bảo về giá cả minh bạch là điều cần được đề cập rõ hơn trong dự án Luật Giá (sửa đổi) làn này.
Cũng tại phiên thảo luận ở Tổ, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu. Theo đó, đa số các đại biểu thống nhất với việc bổ sung thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu để thuận tiện cho công dân Việt Nam thực hiện các công việc xuất, nhập cảnh trong các trường hợp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các nước trên thế giới./.
Một số hình ảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3:
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3 chiều ngày 07/11 về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); dự án Luật Giá (sửa đổi) và việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu ý kiến về nghiên cứu pháp luật của các nước quy định về giá cả các lĩnh vực, mặt hàng...
Đại biểu Đinh Văn Thê - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu quan điểm tại Phiên thảo luận ở Tổ.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề cập về đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho ý kiến về việc phân tích, dự báo giá thị trường và hoạt động quản lý, điều hành giá trong dự án Luật Giá (sửa đổi).