THẢO LUẬN TỔ 15: QUY ĐỊNH RÕ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH NHẰM ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI KHI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

07/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 7/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tổ 15 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hoà.

THẢO LUẬN TỔ 12: THỂ CHẾ ĐÚNG TINH THẦN NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀ PHẢI CỤ THỂ HƠN, KHẢ THI VÀ HIỆU QUẢ

Toàn cảnh phiên họp

Luật Đấu thầu năm 2013 cùng với các luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành luật trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này bởi: quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi cho mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp từ các nhóm yếu thế trong xã hội; mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh. Một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều. Cụ thể, Luật đã có sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu...

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Thảo luận tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.

Đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu rõ đây là luật sửa tương đối toàn diện, cách tiếp cận Chính phủ không chỉ dừng lại ở việc xoá bỏ rào cản, vướng mắc trên thực tế mà còn hướng tới tạo ra cơ chế đấu thầu để xử lý những vấn đề trong tương lai và đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đại biểu nhấn mạnh nếu càng quy định rõ phạm vi áp dụng luật thì khi triển khai trên thực tế càng khả thi.

Hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, tức là gồm cả hai hình thức là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn và doanh nghiệp nhà nước sở hữu trên 50% vốn. Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp quy định về hai hình thức để có phương thức, cách thức quản lý khác nhau cho từng hình thức phù hợp.

Theo đó, Quyết định 22 năm 2021 về sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước phân doanh nghiệp nhà nước thành ba loại gồm nhà nước sở hữu vốn 100%, 65% tức nhà nước chi phối tuyệt đối và dưới trên 50% dưới 65% là nhà nước chi phối một phần. Xét về mặt bản chất, đại biểu cho rằng cần cân nhắc phương án nên áp dụng luật đối với trường hợp nhà nước chi phối tuyệt đối. Nếu mở rộng áp dụng luật đối với doanh nghiệp nhà nước không phải 100% vốn thì chỉ nên áp dụng với doanh nghiệp nhà nước giữ 65% trở lên.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị 

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu chỉ nên quy định khung, có tính chất nguyên tắc về đấu thầu, nếu đưa vào bao quát một số lĩnh vực khác sẽ dẫn tới trùng lặp và xung đột pháp luật. Đại biểu cho rằng cần bổ sung một chương riêng quy định về lĩnh vực y tế bởi hiện nay, Luật khám bệnh, chữa bệnh chưa điều chỉnh lĩnh vực y tế do đó điều chỉnh lĩnh vực này trong Luật Đấu thầu là hợp lý.

Đại biểu nêu rõ, trong nhiều trường hợp, hình thức chỉ định thầu đã phát huy được giá trị, đôi khi tiết kiệm được cho ngân sách hơn đấu thầu và giải quyết được nhiều vấn đề có tính chất cấp bách, chọn được những hàng hoá có giá trị, chất lượng. Tuy nhiên trên thực tế, phương thức chỉ định thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu cạnh tranh, thiếu minh bạch trong lựa chọn nhà thầu và có thể gây thất thoát nhiều cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, những đơn vị được chỉ định thầu phải độc lập về pháp lý, độc lập về tài chính thì mới đáp ứng đủ năng lực để thực hiện gói thầu. Đồng thời phải có danh mục quy định trường hợp, điều kiện xác định tính cấp bách, dự án cấp bách.

Ngoài ra, quy định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp là chưa bao quát hết. Bởi trong điều kiện điều trị bệnh thông thường, có những loại thuốc, thiết bị y tế nếu chờ đấu thầu sẽ không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh. Trong hoàn cảnh đó, nếu có sự chỉ định thầu sẽ cần thiết và có giá trị. Do đó, cần mở rộng hơn với quy định này để tạo thuận lợi cho ngành y tế có đủ vật tư y tế.

Mặt khác, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị chỉ ra rằng, vừa qua đã có sự lúng túng, khó khăn khi xử lý công tác đấu thầu trong hoàn cảnh cấp bách, cấp thiết... do đó đại biểu đề nghị thiết kế một chương về đấu thầu trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp để đáp ứng yêu cầu khẩn cấp của đất nước trong thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Đối với quy định về mời thầu, yêu cầu hồ sơ đã cụ thể nhưng chưa có quy định về hồ sơ dự thầu, do đó phải có quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực này. Đối với việc, có ý kiến cho rằng cần rà soát kỹ lưỡng, tránh khoảng trống pháp lý trong việc quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp khác không thuộc Doanh nghiệp Nhà nước theo Luật số 69/2014/QH13 để bảo đảm tăng cường quản lý vốn của Nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước và bảo đảm được quyền tự chủ và quyền quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; vấn đề đấu thầu qua mạng và đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi) và việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên thảo luận:

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Tiến Dũng

Đại biểu Ngô Đông Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Minh Thành - Phạm Thắng