THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: RÀ SOÁT, ĐẢM BẢO TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT, KHOA HỌC CỦA QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

06/01/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, sáng 06/01, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thảo luận tại Tổ 10, đa số ý kiến đại biểu cho rằng, cần rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, hợp lý của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

TỔNG THUẬT SÁNG 05/01: KHAI MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Toàn cảnh  Phiên thảo luận tại Tổ 10

Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh  Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk và Hậu Giang. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong điều hành nội dung thảo luận.

Cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu nhấn mạnh, Quy hoạch quốc gia được xây dựng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các đại biểu cho rằng đây là lần đầu tiên lập quy hoạch tổng thể quốc gia nên không tránh khỏi những khó khăn nhưng Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia  kèm theo Tờ trình số 506 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định của Luật Quy hoạch.

Góp ý vào nội dung cụ thể Báo cáo tổng hợp quy hoạch, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, còn một số nội dung cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, hợp lý như: Về điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển; Về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm; Về dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển; Về định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội; Về định hướng phát triển không gian biển;….

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam, mặc dù nội dung Báo cáo tổng hợp quy hoạch đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước thời kỳ 2021 - 2030. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm các đánh giá về ưu điểm, lợi thế của các điều kiện tự nhiên, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh… làm cơ sở xây dựng phương án quy hoạch.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn, các nội dung phải định hướng trong việc sắp xếp, phân bố không gian để đạt được các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. Đồng thời, bổ sung, nhấn mạnh hơn việc giảm chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương và quan điểm về phát triển kinh tế biển;…

Từ những nội dung cần tiếp tục bổ sung như đã nêu, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện đảm bảo tính toàn diện, chiến lược, thuận lợi trong quá trình thực hiện và phát triển đất nước.

Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên thực hiện việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch năm 2017, nên không khỏi bỡ ngỡ vì chưa có tiền lệ và chưa có kinh nghiệm.

Đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ đồng tình với tên gọi quy hoạch như Tờ trình là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 5 – Luật Quy hoạch; Thời kỳ quy hoạch từ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Luật Quy hoạch được quy định tại khoản 2, Điều 8.

Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Trần Văn Tiến nêu rõ: việc phân tích, đánh giá các nội dung quy định tại điểm a, khoản 2 của Luật Quy hoạch vẫn còn hạn chế như một số nội dung chưa đề cập hoặc một số yếu tố đánh giá còn nặng về định tính. Ngoài ra, một số nội dung chưa có đánh giá về phân bổ không gian như hạ tầng xã hội về mật độ, quy mô theo vùng kinh tế - xã hội hoặc theo vùng kinh tế trọng điểm để từ đó thấy được những hạn chế bất cập;…

Đối với kịch bản phát triển, đại biểu đề nghị làm rõ hơn về mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia với từng kịch bản và chưa chỉ ra được một số định hướng quy hoạch gắn với từng kịch bản để so sánh, đánh giá và lựa chọn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ 10

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia theo yêu cầu tiến độ tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đây là một trong những nội dung quan trọng, cấp bách được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Quy hoạch quốc gia phải mang tính chất chiến lược, tổng thể. 

Để hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, cần bổ sung thêm các đánh giá về ưu điểm, lợi thế của các điều kiện tự nhiên, khoa học công nghệ,… Bên cạnh đó, làm rõ hiện trạng mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệ, quy hoạch khác chưa được quyết định phê duyệt. Trong đó, quan trọng nhất là kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch này gắn liền với việc sửa đổi Luật Đất đai.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng bày tỏ tin tưởng với sự chuẩn bị công phu của Chính phủ cùng với các ý kiến thảo luận, góp ý kỹ lưỡng của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình sẽ phối hợp tiếp thu, hoàn thiện đảm bảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng yêu cầu thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước.

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm như: Kết quả thực hiện; Bài học kinh nghiệm về xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách;...

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Xã hội phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan của Chính phủ thực hiện chỉnh lý, các đại biểu cho ý kiến về: Việc cho phép tiếp tục thực hiện thanh toán chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế; chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 đang thực hiện theo Nghị quyết 30/2021/QH15 và Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 cho đến hết ngày 31/12/2023; Việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm bảo đảm nguồn cung ứng thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 10: 

Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk và Hậu Giang thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ 10

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong điều hành nội dung thảo luận

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Phúc tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 10

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, còn một số nội dung cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, hợp lý

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc  bày tỏ đồng tình với tên gọi Quy hoạch như Tờ trình là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 5 – Luật Quy hoạch; Thời kỳ quy hoạch từ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Luật Quy hoạch được quy định tại khoản 2, Điều 8.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk góp ý nhiều nội dung cụ thể tại Báo cáo tổng hợp quy hoạch. Đại biểu cũng chỉ rõ các nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung để đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nêu một số nội dung cơ bản cần nghiên cứu trong hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia và cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15

Đại biểu Nguyễn Lan Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nêu hai nhóm vấn đề lớn cần quan tâm tại Nghị quyết số 30/2021/QH15

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 10

Lê Anh - Nghĩa Đức