ĐOÀN ĐBQH TỈNH KIÊN GIANG GIÁM SÁT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

09/03/2023

Sáng 08/3, đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn Kiên Giang có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường.

KIÊN GIANG: GIÁM SÁT TRÊN CƠ SỞ CHỌN VẤN ĐỀ BỨC XÚC CỦA CỬ TRI KIẾN NGHỊ

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé (đứng) – Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ.

Báo cáo tại buổi làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết diện tích đất công trình năng lượng đến năm 2030 của tỉnh là 817ha, tăng 469ha so với hiện trạng năm 2020. Các công trình, dự án sử dụng đất công trình năng lượng của tỉnh giai đoạn 2021-2030 chủ yếu là đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, các kho xăng, dầu và đất cho xây dựng trạm biến áp, hệ thống móng trụ điện cho đường dây cao thế… Đối với các công trình năng lượng mặt trời, đa số các dự án chỉ lắp đặt các tấm pin phía trên các mái nhà, trang trại, không chuyển mục đích sử dụng đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá thời gian tới khi năng lượng mặt trời và năng lượng gió phát triển trên địa bàn tỉnh có thể gây phát sinh chất thải vì các tấm quang năng hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng; điện gió tạo ra các vấn đề về môi trường liên quan đến đa dạng sinh học như ảnh hưởng đến đường di chuyển của các loài chim di cư, môi trường sống của các loài động, thực vật tại nơi triển khai dự án.

Sở Khoa học và Công nghệ cho biết đã triển khai nhiều đề tài, dự án ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như ứng dụng và phát triển công nghệ sản xuất gạch không nung từ xi măng, cốt liệu tại TP. Phú Quốc; nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tự động quan trắc và cảnh báo các thông số môi trường nước ứng dụng cho nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, mua bán và bàn giao công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào địa bàn tỉnh…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang ghi nhận những kết quả Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng thời gian qua.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng hiện nay công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sử dụng năng lượng tiết kiệm chưa đạt hiệu quả cao. Việc xử lý các chất thải, tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng trong sản xuất năng lượng mặt trời là vấn đề cần được quan tâm, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân xử lý đúng quy định, tránh gây tác động đến môi trường. Đồng thời, còn tình trạng một vài dự án công trình năng lượng đã được quy hoạch rất lâu nhưng chưa triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của tổ chức, cá nhân như đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Vì thế, thời gian tới, các ngành tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Tại huyện Gò Quao, báo cáo với đoàn giám sát, UBND huyện cho biết việc phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, nhất là phát triển điện lực trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả. Đến cuối 2022, trên địa bàn huyện có 703 trạm điện, 503,8km đường dây trung thế, 944,7km đường dây hạ thế; 111 trạm bơm điện phục vụ sản xuất; 11/11 xã, thị trấn có điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện 99,65%.

Về năng lượng tái tạo, thực hiện chủ trương khuyến khích của huyện năm 2021, có 147 hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư với tổng công suất 19.751MWp, góp phần tạo nguồn cung năng lượng tại chỗ, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương. Các dịch vụ khách hàng cũng ngày càng được chú trọng thực hiện tốt, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng phục vụ. Việc đo đếm điện năng từng bước được hiện đại hóa thông qua chương trình thay thế điện kế cơ - điện từ bằng điện kế điện tử và đo, ghi từ xa; việc thanh toán tiền điện được đẩy mạnh các hình thức thanh toán thông qua ngân hàng, trung gian thanh toán theo chủ trương không đến nhà khách hàng, không sử dụng tiền mặt.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị thời gian tới UBND huyện Gò Quao cùng các ngành, đơn vị liên quan bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để tổ chức thực hiện nghiêm các chính sách, đảm bảo phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng để kịp thời kiến nghị bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách.

Đối với một số nội dung kiến nghị của huyện Gò Quao, đoàn tổng hợp kiến nghị, đề xuất để xem xét trình Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, góp phần điều chỉnh, nâng cao chất lượng, hoàn thiện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong giai đoạn tiếp theo.

* Theo UBND huyện Châu Thành, đến nay, trên địa bàn huyện được cấp nguồn điện bằng 2 trạm 110kV Chung Sư, Minh Phong với tổng công suất 2x40MVA và một phần tuyến 474 Rạch Giá, đảm bảo cấp điện kịp thời cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó có khu công nghiệp Thạnh Lộc, khu cảng cá Tắc Cậu. Toàn huyện có 295 hệ thống điện mặt trời, góp phần tạo nguồn cung năng lượng tại chỗ, giảm điện năng truyền tải đến tỉnh, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương. Các dịch vụ chăm sóc khách hàng của ngành điện ngày càng được chú trọng thực hiện tốt…

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện Châu Thành còn 31 vùng lõm điện ở các vùng nông thôn chưa được đầu tư. Hầu hết các tuyến này cách xa nguồn điện, dân cư thưa thớt nên ngành điện chưa đầu tư lắp đặt vì nguồn vốn cấp cho ngành điện hàng năm rất hạn chế, chỉ đủ thực hiện công tác sửa chữa và chống quá tải lưới điện hiện hữu. Việc cấp điện phục vụ bơm tát, sản xuất nông nghiệp tuy mang lại hiệu quả và lợi ích cho nông dân nhưng do đặc thù sử dụng điện bơm tát, sản xuất nông nghiệp không ổn định thường xuyên nên hiệu quả khai thác công trình điện tương đối thấp…

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn huyện Châu Thành; chia sẻ những khó khăn của huyện trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng thời gian qua. Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé ghi nhận ý kiến, kiến nghị của huyện và sẽ sớm trình Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan...

(Theo Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang)

Các bài viết khác