ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM LẤY Ý KIẾN GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

09/03/2023

Chiều 09/3, tại trụ sở UBND huyện Đại Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các địa phương khu vực bắc Quảng Nam đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào chiều 9/3. Ảnh: C.Q

Các đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam; Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Lê Văn Dũng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và đã được Chính phủ hoàn thiện, gồm 16 chương và 236 điều.

Đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: C.Q

Theo đại biểu Lê Văn Dũng, những vướng mắc trong triển khai Luật Đất đai thời gian qua cần có sự sửa đổi, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, ngành và người dân.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung liên quan các nhóm vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát...

Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang nói đất đai có tác động rất lớn đến các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng của các địa phương. “Các địa bàn miền núi tính đặc thù rất cao, do đó cần có quy định chi tiết, cụ thể hơn trong luật (Luật Đất đai - PV). Nếu không thể quy định chi tiết trong luật, thì sau khi luật thông qua, các nghị định, thông tư hướng dẫn phải chú trọng, quy định phạm vi từng loại đất, tính tới yếu tố vùng miền trên cơ sở luật cho phù hợp. Do miền núi có những tính chất khác, khó kêu gọi khai thác quỹ đất như vùng đồng bằng.

Đồng thời, đối với các đơn vị quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải nâng lên thành một ban riêng của mỗi địa phương, vì thực tế công việc của các đơn vị này rất nhiều, có nơi quá tải” - ông Bhling Mia nói.

Lãnh đạo các địa phương góp ý nhiều nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: C.Q

Tương tự, một số lãnh đạo các địa phương miền núi đề nghị cân nhắc thời gian quy định trong thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, do tập quán canh tác luân canh của miền núi, kéo dài hơn để địa phương tuyên truyền, vận động cho dân, phù hợp với văn hóa, tập quán sản xuất của người dân miền núi.

Lãnh đạo các địa phương đồng bằng như Hội An, Điện Bàn cũng góp ý nhiều nội dung về mặt pháp lý, trình tự thủ tục thu hồi đất; đề nghị điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu giải quyết các vướng mắc đang nảy sinh ở các địa bàn này. Đồng thời, quy định chặt chẽ, chi tiết hơn nghĩa vụ của người sử dụng đất để ràng buộc, gia tăng trách nhiệm của người sử dụng đất...

Các ý kiến góp ý tại hội nghị được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tiếp thu, tổng hợp để kiến nghị với Quốc hội tại các kỳ họp sắp tới.

(Theo Báo điện tử Quảng Nam)

Các bài viết khác