Toàn cảnh phiên họp
Theo Tờ trình của Chính phủ, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Mục tiêu của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật sẽ hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, sẽ chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá…
Các đại biểu tại phiên họp
Qua thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết của dự án luật, đánh giá hồ sơ dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động, các cơ quan quản lý có liên quan; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước; tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến thẩm tra, góp ý. Các đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi.
Theo đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết, việc xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cần thiết để góp phần đảm bảo các quy định phù hợp với thực tế, giúp bảo vệ nguồn nước, nguồn sinh thủy để để phục vụ cho cuộc sống của người dân; quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm cũng như các chế tài xử lý các hành vi vi phạm để làm cơ sở cho việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và bảo vệ được nguồn tài nguyên nước…
Đi vào nội dung cụ thể, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết bày tỏ băn khoăn với việc sử dụng cụm từ “số lượng và chất lượng nước” trong dự thảo Luật. Theo đại biểu, mặc dù Luật hiện hành cũng quy định sử dụng cụm từ “số lượng và chất lượng nước”, tuy nhiên đại biểu cho rằng, nước không đếm được số lượng vì vậy nên thay bằng cụm từ “khối lượng và chất lượng” sẽ phù hợp hơn.
Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết
Đại biểu nhấn mạnh, cụm từ “nguồn sinh thủy” cũng được sử dụng rất nhiều trong dự thảo Luật mới và cả ở Luật hiện hành. Tuy nhiên, cụm từ này này lại không được giải thích ở phần giải thích từ ngữ. Đại biểu cho rằng, những cụm từ chuyên ngành như thế này cần phải được giải thích rõ để người dân hiểu được và có thể thực hiện tốt.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ thống nhất cao với việc bổ sung về các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia với các nội dung được quy định như dự thảo. Bởi việc có được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước của chúng ta tốt hơn, chính quyền các cấp sẽ có các giải pháp bảo vệ được nguồn tài nguyên nước cũng như khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước hơn.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật có quy định là các hành vi sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các loại hóa chất khi sử dụng làm ô nhiễm môi trường và làm ô nhiễm nguồn nước. Về nội dung này, nhiều ý kiến băn khoăn về việc những cá nhân hoặc tổ chức sản xuất các loại thuốc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y…khi sử dụng cũng gây ô nhiễm nguồn nước dự thảo Luật có xử họ không, có nằm trong quy định hành vi bị nghiêm cấm không? Các đại biểu cho rằng, nên chăng trong chính sách liên quan đến bảo vệ tài nguyên nước cũng quy định luôn theo hướng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất các sản phảm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, cái loại phân bón sử dụng trong nông nghiệp hoặc làm thức ăn cho các loại động vật hay thủy sản cần đảm bảo loại sản phẩm đó khi thải ra môi trường sẽ ít độc hại nhất hoặc không gây hại cho nguồn nước.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cần bổ sung một ý, đó là: tất cả những hành vi, hoạt động sử dụng, khai thác, tác động vào tài nguyên nước thuộc quyền và lợi ích hợp pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà không được điều chỉnh bởi các Luật khác thì sẽ được điều chỉnh bởi Luật này. Bên cạnh đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị cần có định nghĩa rõ tài nguyên nước nước là gì theo Luật này chứ không phải theo khoa học hay y học…
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, một trong những điểm gây ô nhiễm, tác động lớn vào tài nguyên nước đó là “nhiễm phóng xạ”. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa thấy đề cập đến cụm từ này mà chỉ thấy quy định về chất thải, rác thải… Lấy ví dụ về thảm họa động đất, sóng thần và sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 và để lại những hậu quả thảm khốc mà Nhật Bản cần nhiều năm để khắc phục, đại biểu cho rằng, đây là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm và cần quy định cụ thể vào trong dự thảo Luật.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng đề nghị bên cạnh việc quy định những hành vi quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cần quy định cả những hành vi tác động vào tài nguyên nước cho đầy đủ; quy định cụ thể cơ chế, công cụ nào để kiểm soát nguồn nước đầu nguồn; quy định chế tài đối với các hành vi khai thác nước ngầm mà không được cấp phép bởi đây là một nguồn nước quan trọng trong tài nguyên nước để sử dụng, phục vụ cho việc sinh hoạt của người dân; đồng thời rà soát lại kỹ thuật lập pháp để đảm bảo tính thống nhất…
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết của dự án Luật
Các đại biểu đánh giá hồ sơ dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động, các cơ quan quản lý có liên quan
Các đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, trong chính sách liên quan đến bảo vệ tài nguyên nước cần quy định đối với các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất các sản phảm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, cái loại phân bón sử dụng trong nông nghiệp... cần đảm bảo loại sản phẩm đó khi thải ra môi trường sẽ ít độc hại nhất hoặc không gây hại cho nguồn nước
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng đề nghị bên cạnh việc quy định những hành vi quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cần quy định cả những hành vi tác động vào tài nguyên nước cho đầy đủ
Bên cạnh đó, quy định cụ thể cơ chế, công cụ nào để kiểm soát nguồn nước đầu nguồn; quy định chế tài đối với các hành vi khai thác nước ngầm mà không được cấp phép