THẢO LUẬN TỔ 14: TUYÊN TRUYỀN ĐỂ NGƯỜI DÂN TÍCH CỰC THAM GIA CÔNG TÁC BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

20/06/2023

Sáng 20/6, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tại tổ 14, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung nội dung: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

THẢO LUẬN TỔ 14: ĐẢM BẢO ĐẤT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VĂN HÓA NGHỆ THUẬT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Sơn La, Bình Thuận.

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cho rằng việc xây dựng Luật này là phù hợp với nội dung văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư.

Theo các đại biểu, thực tế hiện nay, đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng Công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số… nên cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, Bảo vệ dân phố, Dân phòng là một đòi hỏi tất yếu.

Toàn cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cơ bản tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật do Chính phủ trình, vì đã khái quát đầy đủ và tương đối thống nhất với nội dung dự thảo Luật, phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật. Có ý kiến đề nghị nên mở rộng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cho toàn diện nhằm huy động được lực lượng rộng rãi tham gia…

Về tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng, xuất phát từ vị trí, chức năng của lực lượng này là tham gia, hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nên việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều đại biểu nhất trí với các tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại Điều 4, gắn với quy định thẩm tra hồ sơ, bầu vào Tổ bảo vệ an ninh trật tự tại Điều 13.

Một số đại biểu đề nghị cân nhắc từ “tuyển chọn”, vì việc tham gia lực lượng này thông qua hình thức bầu tại thôn, tổ dân phố, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời hạn phục vụ; đề nghị không tuyển chọn đối với những người đang tham gia Dân quân tự vệ, người đã được sắp xếp vào lực lượng dự bị động viên để tránh chồng chéo trong việc huy động, sử dụng lực lượng, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng này.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Thêm vào đó, các đại biểu đề nghị rà soát các tiêu chuẩn, yêu cầu về hồ sơ để không làm hạn chế tính tự nguyện và tinh thần xung phong, hạn chế quyền được tham gia bảo vệ an ninh trật tự của công dân; đồng thời, ưu tiên đối với những người có kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ an ninh trật tự.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, dự thảo luật nên xây dựng dưới góc độ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, trong đó các chương, các nội dung quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở theo hướng lực lượng này là nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ về bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Góc độ tiếp cận này sẽ bảo đảm được tính toàn diện, bao quát, kết hợp với các lực lượng khác ở cơ sở để thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội thông qua, từ đó tạo ra các khung khổ pháp luật để đảm bảo được tính dân chủ, an ninh, trật tự trong các hoạt động ở cơ sở.

Đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật cần thiết kế các quy định để đảm bảo huy động, tổ chức, phối hợp triển khai hiệu quả, hợp lý đối với lực lượng dân phòng, lực lượng dân quân tự vệ. Về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, Điều 28 của dự thảo luật có quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; vận động hỗ trợ, giám sát việc thực hiện pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không chỉ có trách nhiệm trong việc tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, mà thực tế phải tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đại biểu Quàng Văn Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La

Cùng tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Quàng Văn Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, lực lượng này được tổ chức tới tận thôn, bản, sâu hơn lực lượng công an xã, cần có quy định thật rõ ràng, chặt chẽ, khả thi về tổ chức, về kinh phí hoạt động, điều kiện hỗ trợ, sử dụng nguồn lực và trang thiết bị.

Cho ý kiến về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định các nhóm nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là rộng và “nặng” so với vị trí, chức năng là lực lượng tham gia, hỗ trợ lực lượng Công an chính quy trong  hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, nhiều nhiệm vụ đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức về pháp luật, có chuyên môn, nghiệp vụ ở mức độ nhất định.

Các đại biểu cũng cho rằng nhiều quy định về nhiệm vụ còn chung chung, thiếu cụ thể, sẽ khó khăn trong việc thực hiện; đề nghị phân định rõ nhiệm vụ của lực lượng này với nhiệm vụ của lực lượng Công an cấp xã (chính quy) và các lực lượng khác ở cơ sở; cần cụ thể hơn chức năng làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự, hỗ trợ lực lượng Công an xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ngài ra, có ý kiến đề nghị chỉ quy định khái quát chức năng, nhiệm vụ nhằm tạo khung pháp lý cơ bản, trên cơ sở đó giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể để bảo đảm tính thống nhất với chức năng, nhiệm vụ của Công an chính quy ở xã, phường.

Một số hình ảnh tại thảo luận tổ:

Đại biểu Nguyễn Huy Đông, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La điều hành phiên thảo luận

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại biểu Quàng Văn Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, lực lượng này được tổ chức tới tận thôn, bản, sâu hơn lực lượng công an xã, cần có quy định thật rõ ràng, chặt chẽ, khả thi về tổ chức, về kinh phí hoạt động, điều kiện hỗ trợ, sử dụng nguồn lực và trang thiết bị.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp

Các đại biểu đề nghị rà soát các tiêu chuẩn, yêu cầu về hồ sơ để không làm hạn chế tính tự nguyện và tinh thần xung phong, hạn chế quyền được tham gia bảo vệ an ninh trật tự của công dân./.

Minh Hùng - Phạm Thắng

Các bài viết khác