DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ: RÀ SOÁT, BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT, CHẶT CHẼ, KHẢ THI
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.gồm 05 chương, 31 điều, quy định về: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thảo luận tại Tổ 13, đa số ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật đồng thời cho rằng, hoạt động của lực lượng Công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số… nên cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, Bảo vệ dân phố, Dân phòng là một đòi hỏi tất yếu.
Cơ bản thống nhất với Tờ trình cũng như nhiều nội dung trọng tâm tại dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc xây dựng và ban hành dự án Luật trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cấp thiết. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, dự án luật được cơ quan soạn thảo chuẩn bị hồ sơ rất kỹ lưỡng, công phu và quá trình hoàn thiện hồ sơ cũng theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tán thành với quy định tại dự thảo luật về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu cho biết, nội dung này Chính phủ cũng đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, có sự điều chỉnh cơ bản so với dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XIV.
Ngoài ra, liên quan đến địa điểm, trụ sở, trang thiết bị, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng đề nghị, Ban soạn thảo nên quy định theo hướng mở trong dự thảo luật để tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn, khả năng đáp ứng của địa phương. Theo đó, nơi nào xã hay chính quyền địa phương cấp tỉnh có điều kiện thì bố trí xây dựng trụ sở công an xã để mà cho lực lượng này vào ở cùng còn nếu không thì vẫn duy trì như hiện tại. Quy định như vậy sẽ linh động, dễ thực hiện, dễ triển khai phù hợp với điều kiện, khả năng tài chính của từng địa phương…
Tham gia thảo luận, đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, tại Điểm a, khoản 1, Điều 5 lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã về tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định như tại dự thảo là chưa thực sự thống nhất với Điều 13. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động thì giao cho Ủy ban nhân xã và chỉ đạo các tổ dân phố để thực hiện nhiệm vụ này, đối với công an xã thì chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, kiện toàn chức danh tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như ở trong dự thảo luật được hiểu theo trường hợp chức danh tổ trưởng, tổ phó trong trường hợp là tổ có đầy đủ thành viên thì người có đủ tiêu chuẩn để giới thiệu. Chưa quy định trong trường hợp tổ không có đầy đủ thành viên và không có người có đủ tiêu chuẩn để giới thiệu chức danh tổ trưởng, tổ phó thì có phải kiện toàn cả tổ viên thì mới có cơ sở để giới thiệu tổ trưởng, tổ phó hay không.
Vì vậy, đại biểu tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ các trường hợp cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính toàn diện của dự thảo luật.
Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhất trí với sự cần thiết như trong Tờ trình của Chính phủ về thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này với tính chất là hỗ trợ cho lực lượng công an xã từ Điều 5 đến Điều 12.
Đại biểu Triệu Quang Huy cũng đề nghị Ban soạn thảo cũng phải rà soát lại về bố trí kinh phí. Bởi quy định như trong thảo luật, ngân sách địa phương phải đảm bảo toàn bộ từ địa điểm làm việc, kinh phí hỗ trợ cho đội trưởng, đội phó và và thậm chí còn các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm và chế độ công tác phí, chế độ thương tật,… Do đó, cần phải rà soát kỹ lưỡng đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành cũng như thực tiễn.
Cũng tại phiên thảo luận các đại biểu còn cho ý kiến về: Tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;…/.