THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA: TẠO TÍNH CHỦ ĐỘNG CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỐ TRÍ, SẮP XẾP CÁC NGUỒN VỐN

29/10/2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 30/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trước đó, tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu Quốc hội chỉ rõ nếu như trước đây việc thực hiện các chương trình đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng đến giai đoạn hiện nay việc triển khai thực hiện các chương trình gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nhất là giải ngân vốn. Do đó đề nghị cần có những điều chỉnh phù hợp, trao quyền chủ động hơn cho địa phương trong sử dụng vốn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập và thiếu hiệu quả

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình thảo luận tại Tổ 15 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận

Thảo luận tại Tổ 15, phản ánh về chậm giải ngân vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết thêm, qua giám sát tối cao của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đã cho thấy có rất nhiều công trình, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia không có hiệu quả, đặc biệt là những chương trình liên quan đến nước sạch. Khi đưa dự án vào Chương trình đạt ra mục tiêu, yêu cầu rất quan trọng để hỗ trợ cung cấp nước sạch cho người dân, nhưng trên thực tế khi làm xong công trình, bàn giao cho các cấp dưới để quản lý, sử dụng thì có nhiều công trình, dự án không có hiệu quả thực hiện, không mang lại hiệu quả cho người dân. Do đó cần phải có tính toán cho phù hợp.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận cho biết qua nắm bắt tình hình tại địa phương cho thấy hiện nay việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Theo đó, kết quả giải ngân rất thấp, đặc biệt nguồn vốn sự nghiệp và khó có thể khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm nay.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận cho biết nguyên nhân. Một là, một số văn bản hướng dẫn ban hành chưa kịp thời, không rõ ràng, đầy đủ, khó hiểu, khó thực hiện. Đặc biệt việc dẫn chiếu trong các văn bản hướng dẫn quá nhiều dẫn đến khó khăn cho các cán bộ và người dân, đặc biệt là cán bộ cấp xã ở các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Đại biểu dẫn chứng tại một thông tư hướng dẫn về đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người dân được cử tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lại dẫn chiếu đến ba thông tư khác. Cán bộ địa phương trực tiếp thực hiện phải mở đến ba thông tư ra xem, đối chiếu với nhau, hết sức khó khăn, đặc biệt là vùng cao khi xuống thôn, bản mà trang thiết bị thiếu, sóng không có, nhiều khi không thể nào ôm hết tất cả các thông tư đi để dở ra đối chiếu.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận phát biểu trong phiên thảo luận Tổ

Hai là, việc giao vốn chi tiết để từng dự án, từng tiểu dự án cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho các địa phương, không tạo tính chủ động với các địa phương. Nhiều tiểu dự án, nhiều dự án không có đối tượng hoặc không còn đối tượng nhưng không thể nào điều chuyển vốn được vì liên quan đến việc giao vốn chi tiết từng dự án.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc thì cho biết thời gian qua, dù Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã rất quyết liệt, các địa phương, các tỉnh cũng đã tập trung để chỉ đạo việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên qua giám sát và nắm tình hình thực tế ở cơ sở đã cho thấy rằng việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay giải ngân rất thấp.

Đi sâu vào phân tích nguyên nhân, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay việc hướng dẫn nhiều nội dung đến thời điểm này chưa được đầy đủ. Đội ngũ cán bộ làm trực tiếp thực hiện các chương trình từ tỉnh đến huyện đến xã còn rất khó khăn. Khi xuống đến chỉ còn 3-4 cán bộ phụ trách và đến xã còn ít nữa trong khi có rất nhiều chương trình, xây dựng các phương án để làm việc. Trong đó, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cũng còn yếu, có khi cán bộ làm những nơi khác kém lại đưa về phòng dân tộc để làm việc. Những việc này đã hạn chế rất nhiều đến việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc phát biểu tại Tổ

Bên cạnh đó, nhiều hạng mục đầu tư của một số chương trình khi triển khai xuống cơ sở thì không phù hợp cho nên việc giải ngân vốn khó khăn. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc bày tỏ lo ngại nếu như không tiếp tục kéo dài thời gian để giải ngân nguồn vốn thì việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia không chỉ ở Hòa Bình mà các tỉnh trên địa bàn cả nước đều thấy khó khăn.

Tạo tính chủ động cho các địa phương

Về giải pháp, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các chính sách, các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình theo hướng rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, bổ sung làm rõ một số thuật ngữ từ ngữ, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều văn bản gây khó khăn cho các địa phương. Rà soát, lồng ghép tốt hơn các chương trình, dự án để tránh lãng phí nguồn lực, loại bỏ việc trùng đối tượng, không có đối tượng thực hiện.

Về phân bổ nguồn lực, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ xem xét cân đối, bố trí nguồn lực cho cả giai đoạn để các địa phương dễ thực hiện. Không thực hiện được giao vốn đối đến từng tiểu dự án như hiện nay để tạo tính chủ động cho các địa phương, đồng thời phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương trong việc được chủ động điều chỉnh, bố trí, sắp xếp các nguồn vốn của các tiểu dự án, các dự án để đảm bảo tính linh hoạt, không thay đổi tổng mức đầu tư.

Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang trong phiên thảo luận tại Tổ 06 gốm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai

Tại Tổ 06, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang chỉ rõ, hằng năm, Trung ương giao dự toán quá chi tiết, giao chi tiết tới từng dự án nên các địa phương cũng khó chủ động trong việc điều chỉnh dự toán, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như giải ngân nguồn vốn do thẩm quyền điều chỉnh lại thuộc thẩm quyền của trung ương. Do đó, đại biểu Vương Thị Hương kiến nghị từ năm ngân sách 2024, Trung ương chỉ giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia và không giao chi tiết đến từng dự án. Nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể các địa phương có thể chủ động trong việc triển khai cũng như là đảm bảo kế hoạch giải ngân. Đồng thời, có cơ chế cho các địa phương được điều chỉnh kế hoạch vốn của năm 2023 giữa các dự án để phù hợp với nhu cầu thực tiễn và khả năng giải ngân.

Cần phải thay đổi tư duy trong điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia

Phát biểu tại Tổ 18, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới thực sự là cuộc cách mạng trong nông thôn và đổi đời cho nông thôn, từ đó nông thôn văn minh. Tuy nhiên đến giai đoạn hiện nay, yêu cầu cao hơn, không chỉ thoát nghèo bằng về cơ sở vật chất mà còn ở các dịch vụ khác đa chiều.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

Chia sẻ với vai trò là Phó trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện của 3 chương trình trong quá trình điều hành chung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết mục tiêu của Quốc hội là mong muốn có được một Ban Chỉ đạo chung để tạo sự phối hợp giữa 3 chương trình đồng bộ nhưng thực tế lại không gặp được nhau, 3 chương trình thực chất vẫn đang chạy song song 3 đường khác nhau do chưa có sự tương đồng với nhau.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ rõ nếu như Chương trình xây dựng nông thôn mới chạy vẫn tương tương đối tốt, Chương trình giảm nghèo bền vững cũng đạt những yêu cầu nhất định thì hiện nay khó khăn nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Vốn bố trí cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là rất lớn nhưng không tiêu được, bố trí không hợp lý. 10 dự án thành phần của chương trình này đa phần không phải là vấn đề sinh kế cho người dân mà lại đi vào những nội dung vĩ mô. Thực tế triển khai đã cho thấy thiết kế chương trình không hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ 18 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ rõ, như trong chương trình giảm nghèo, việc sửa chữa nhà được lấy từ vốn sự nghiệp như vậy hỗ trợ thuận lợi, nhưng đối với chương trình dân tộc miền núi lại lấy từ nguồn đầu tư, dự án hỗ trợ sửa chữa nhà là hai mươi triệu, xây mới là bốn mươi triệu. Với quy mô đó mà lại bảo là dự án đầu tư công sao làm được.

Từ phân tích trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng cần phải thay đổi tư duy ngay bây giờ, không thể chậm được nữa, nếu không cả 3 chương trình, nhất là chương trình dân tộc miền núi không giải ngân được. Theo đó, hãy trao quyền cho địa phương, trước mắt thực hiện thí điểm mỗi tỉnh chọn một huyện./.

Bảo Yến

Các bài viết khác