TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ, KHẢ THI VỀ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 10
Thảo luận tại Tổ 10, gồm 03 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Ninh Thuận, Bạc Liêu. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng điều hành nội dung phiên thảo luận.
Cho ý kiến về Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
Tán thành với nhiều nội dung cơ bản tại Tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các đại biểu đã góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan đến: Quy định về giải thích từ ngữ; quy định về cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; quy định về chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp;…
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Liên quan đến quy định về cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh, đại biểu Nguyễn Văn Thuận – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, tinh thần chung của nội dung quy định này là tạo điều kiện và phát huy cao tính chủ động sáng tạo của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Ninh Thuận đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát lại nội dung này. “Bởi, hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng và an ninh thực hiện theo Luật Khoa học và công nghệ nhưng dự thảo Luật hiện vẫn chưa quy định cụ thể về miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước, các đối tượng khác ngoài Nhà nước…”, đại biểu lý giải.
Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu rõ, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, nội dung ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ được quy định tại Điều 23; chính sách thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được quy định tại Điều 24.
Trong đó, nội dung hai điều này quy định rất rõ ưu đãi đối với từng chức danh như: người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ (khoản 1 Điều 23); nhà khoa học đầu ngành (khoản 2 Điều 23); nhà khoa học (khoản 3 Điều 23); nhà khoa học trẻ tài năng (khoản 4 Điều 23); cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài (khoản 2 Điều 24) và chuyên gia nước ngoài (khoản 3 Điều 24). Tuy nhiên, khoản 4 Điều 50 dự thảo Luật đang điều chỉnh chỉ với “chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước”.
Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Theo đại biểu tỉnh Thái Bình, việc quy định như vậy chưa thể hiện rõ ràng trong phạm vi điều chỉnh “là người Việt Nam ở nước ngoài” và chưa bao quát hết các đối tượng “nhà khoa học”, “nhà khoa học trẻ tài năng”,… như quy định của Luật Khoa học và công nghệ. Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị, nghiên cứu, xem xét, rà soát kỹ lưỡng nội hàm, đối tượng cần điều chỉnh về cơ chế, chính sách của Điều 50 và Điều 51 dự thảo Luật sao cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Khoa học và công nghệ hiện hành.
Cũng tại Phiên thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản các đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết với việc ban hành nhằm khắc phục những bất cập hiện nay, đồng thời nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản; bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Nêu thực tế ở nhiều địa phương hiện nay khi tổ chức đấu giá nhất là đối với những tài sản có giá trị như bất động sản, vàng, kim cương thì thường tập trung vào một “nhóm lợi ích”, đại biểu Trần Quốc Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho biết, khi tiến hành đấu giá sẽ xuất hiện một nhóm đối tượng tìm mọi cách để trúng được phiên đấu giá; thậm chí tụ tập bên ngoài phiên đấu giá khiến những người thực sự có nhu cầu khó có thể tham gia. Tuy vậy, Luật Đấu giá tài sản hiện hành và dự thảo Luật Chính phủ trình cũng chưa đề cập và chưa có sự điều chỉnh, bổ sung cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh trật tự và quyền lợi của những người tham gia đấu giá hợp pháp để hoạt động đấu giá diễn ra một cách công bằng, đại biểu cho rằng, trách nhiệm này phải là của chính quyền địa phương sở tại, còn những tổ chức có tài sản đấu giá muốn thực hiện chức năng này cũng tương đối khó.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu xem xét bổ sung trong dự thảo Luật một quy định rõ ràng liên quan đến hành vi này và giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý và xử lý những trường hợp gây nhũng nhiễu, khó khăn cho công tác tổ chức đấu giá. Có như vậy thì hoạt động đấu giá mới thật sự công bằng và minh bạch; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người tham gia đấu giá chân chính.
Liên quan đến quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đồng tình với ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế rằng việc xác định “nhằm mục đích trục lợi” trong quy định cấm “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi” là rất khó và đề nghị bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” để bảo đảm tính khả thi của quy định. Đồng thời, đại biểu đề nghị, cân nhắc, có thể vẫn giữ lại nội dung “nghiêm cấm hành vi làm lộ lọt thông tin về người đăng kí tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi” để tạo điều kiện thuận lợi cho những văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.
Ngoài ra, các đại biểu còn cho ý kiến vào nhiều nội dung trọng tâm khác của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản như: quy định về bước giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên; các hành vi bị nghiêm cấm;…
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 10:
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 10
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng điều hành nội dung phiên thảo luận
Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10
Đại biểu Ngô Đông Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Phan Xuân Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình