Toàn cảnh phiên họp
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công, trong đó đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, không để sơ hở, bất cập để tham nhũng, tiêu cực; hoàn thành sửa đổi Luật Đấu giá tài sản; đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động đấu giá tài sản nói riêng; nhiều quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến các loại tài sản phải bán đấu giá đã hoặc đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; việc thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, hiệu quả của hệ thống pháp luật thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, trước yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động đấu giá tài sản, bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách.
Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Các đại biểu tại phiên họp
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 01 Điều mới quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Luật bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và 03 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua, đồng thời rà soát, cập nhật đầy đủ các loại tài sản mà pháp luật hiện hành quy định phải bán thông qua đấu giá.
Qua thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, trong hơn 5 năm qua, Luật Đấu giá tài sản là căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng cho các hoạt động đấu giá tài sản diễn ra công khai, minh bạch, tránh thất thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, rất cần ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản…
Đồng thời cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình, yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6; bố cục và kết cấu của dự thảo Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung.
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật này, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị, tại khoản 7, Điều 1 (sửa đổi bổ sung khoản 5, 6, 7 Điều 29) mới quy định trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động về địa chỉ trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trương ương thì phải thực hiện việc gửi giấy đề nghị thay đổi đến Sở Tư pháp. Để bảo đảm việc quy định chặt chẽ hơn, đại biểu Phước đề nghị, cần quy định trong mọi trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động thì doanh nghiệp đấu giá tài sản đều phải thực hiện trách nhiệm trên.
Điểm b, Khoản 12, Điều 1, dự thảo Luật đang quy định “cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản”. Theo đại biểu Dương Văn Phước, cơ quan soạn thảo cần giải thích rõ như thế nào là “cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối cá nhân, tổ chức khác” nhằm bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện. Bởi, nếu không quy định rõ nhóm đối tượng này sẽ dẫn đến hai trường hợp, hoặc là bỏ lọt đối tượng, hoặc là lạm quyền để từ chối cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá trái quy định.
Theo Khoản 13, Điều 1, dự thảo Luật , người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước và tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 1a Điều này.
Cũng theo quy định tại khoản 13, Điều 1, trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.
Với trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, thì tiền đặt trước được tính căn cứ vào số lượng khối băng tần đăng ký mua và giá khởi điểm cao nhất của khối băng tần trong tổng số khối băng tần đưa ra đấu giá theo tỷ lệ quy định tại khoản 1 Điều này.
Các đại biểu cho rằng, cần xem xét nâng mức tiền đặt trước từ mức tối thiểu là 20% và tối đa là 50% giá trị tài sản đấu giá, vì khung số tiền đặt trước như dự thảo Luật đang quy định là quá thấp. Đồng thời, cần mở rộng tỷ lệ phạt đấu giá, quy định thời gian người trúng đấu giá phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - ĐBQH tỉnh Kiên Giang, cho biết, theo thông lệ thế giới, thì có những loại tài sản không quy định về tiền đặt trước. Mặt khác, dự thảo Luật cũng đã nâng mức tiền đặt trước với đấu giá quyền sử dụng đất lên tối thiểu là 15%, tối đa là 20%. Do vậy, không thể tiếp tục nâng mức tiền đặt trước. Nếu tăng nữa thì đã biến chất, không phải đấu giá nữa, thậm chí nếu tăng tiền đặt trước lên 50% hay 100% giá trị tài sản để chống những trường hợp "xù", thì đã trở thành mua bán tài sản.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở nghiên cứu thông lệ thế giới, cơ quan soạn thảo đã cố gắng tăng lên các mức tiền đặt trước như thể hiện tại dự thảo Luật. Với mức tăng hiện nay khi đấu giá tài sản lớn, thì cũng đã trở thành hàng rào kỹ thuật để hạn chế những doanh nghiệp nhỏ.
Dù không tăng mức tiền đặt trước, nhưng theo đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung hủy kết quả đấu giá trong trường hợp quyết định rồi bản án hoặc quá trình cưỡng chế kê biên có vi phạm pháp luật dẫn đến đầu vào đấu giá có sai sót (Điều 72 của Luật Đấu giá tài sản hiện hành).
Đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu cho biết, thực tiễn đã có những vụ việc quá trình đấu giá tài sản không có vi phạm gì, nhưng trong quyết định hành chính để tịch thu hay bản án có quyết định tịch thu, đặc biệt là trong thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản có vi phạm mà vẫn đưa tài sản đó ra đấu giá sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Bởi về nguyên tắc và theo quy định hiện hành thì không có cơ sở để hủy kết quả đấu giá, nên phải thực hiện bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá ngay thẳng thì phải bàn giao. Nhưng nếu bàn giao tài sản này thì cơ quan Nhà nước sẽ phải bồi thường cho người trúng đấu giá, rất khó khăn, nên địa phương không bao giờ dám triển khai nội dung này.
Đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị, cần bổ sung vào Điều 72 về hủy kết quả đấu giá trong trường hợp quyết định rồi bản án hoặc quá trình cưỡng chế kê biên có vi phạm pháp luật dẫn đến đầu vào đấu giá có sai sót. Nếu quy định như vậy, chúng ta sẽ có cơ sở xem xét trách nhiệm của các cơ quan có vi phạm pháp luật trong các khâu trước.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, tình trạng người trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc, bỏ hợp đồng, hay đấu giá biển số xe gần đây sẽ dẫn đến không bảo đảm quản lý nhà nước trong đấu giá, cũng như trong thực hiện quan hệ kinh tế giữa các bên liên quan. Do vậy, cần bổ sung một điều về phạt hợp đồng trong những trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc và không thực hiện được hợp đồng. Bởi thực tế đã có việc người đấu giá biển số xe lên đến 32 tỷ đồng bỏ cọc, không thực hiện hợp đồng. Việc làm này làm "tan" cả cuộc đấu giá được cơ quan chức năng chuẩn bị kỹ. Hơn nữa, nếu tăng tiền đặt trước, đặt cọc lên sẽ không bảo đảm nguyên tắc không gây khó khăn cho quá trình đấu giá.
Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:
Các đại biểu tại phiên họp
Qua thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, trong hơn 5 năm qua, Luật Đấu giá tài sản là căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng cho các hoạt động đấu giá tài sản diễn ra công khai, minh bạch, tránh thất thu ngân sách nhà nước
Tuy nhiên, rất cần ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản…
Đồng thời cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình, yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6; bố cục và kết cấu của dự thảo Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung
Các đại biểu tại phiên họp