THẢO LUẬN TỔ 2: TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA LINH HOẠT ĐỂ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

23/05/2024

Đa số các ĐBQH tại Tổ 2 cho rằng, để thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển trong thời gian tới, cần quan tâm hơn đến phát triển thị trường nội địa; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, tạo động lực về đầu tư, ưu tiên thu hút doanh nghiệp công nghệ cao phát triển…

THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: CẦN TẠO ĐIỀU KIỆN TỐI ĐA ĐỂ TĂNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHO ĐẤT NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: RÀ SOÁT, LÀM RÕ CÁC NỘI DUNG CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ KHÁC VỚI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH TRONG THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 2 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Thảo luận ở Tổ 2 gồm các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Đa số các ĐBQH thống nhất với những giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh,xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tình hình kinh tế-xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước,cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

 Chính sách tài khóa còn dư địa nên có thể lấy đó để hỗ trợ nền kinh tế

Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, tình hình kinh tế trong nước năm 2023 cho thấy, tỷ giá có biến động lớn do áp lực của đồng tiền các nước, nhưng nước ta vẫn giữ vững ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khi cơ cấu đầu tư tư nhân đóng vai trò quyết định trong tổng cầu tăng trưởng kinh tế thì việc đầu tư còn yếu; đầu tư công vẫn chưa thu hút đầu tư tư nhân.

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hiện nay thành lập mới tăng nhưng giải thể, phá sản, ngưng hoạt động cũng tăng cao. Thành lập mới và tái hoạt động so với số giải thể, chờ phá sản còn thấp hơn. Cùng với đó, số vốn thành lập trên một doanh nghiệp thấp đi.

Để nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu quan điểm: Chính sách tài khóa của nước ta còn dư địa nên có thể sử dụng các nguồn lực tài khóa, gói hỗ trợ thông qua các khoản thuế, phí như giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ nền kinh tế. Bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang phát huy hiệu quả, kích thích sản xuất, hỗ trợ nền kinh tế.

 ĐBQH Trần Anh Tuấn.

Thời gian tới, phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp thành lập, lôi kéo nguồn lực xã hội cho đầu tư. Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng “cần rất nhiều điều phải nghiên cứu” khi nhắc đến thủ tục đầu tư, cơ chế chưa đồng bộ khi sử dụng nguồn lực chi thường xuyên, chi đầu tư, chi từng nguồn vốn sự nghiệp. Những bất cập đã làm “thủ tục đầu tư” rất chậm. Các dự án y tế, giáo dục, giao thông còn chậm, phải đẩy nhanh các dự án trọng điểm.

Đóng góp ý kiến vào đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, bối cảnh nền kinh tế trong năm qua không thuận lợi nên đã tác động lớn đến sự phát triển của kinh tế trong nước. Mặc dù nền kinh tế vĩ mô ổn định nhưng tỷ giá tăng trở lại, lạm phát tăng hơn đã tác động đến sự phát triển kinh tế. Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ để giám sát.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân.

Trong năm qua, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng tính bền vững chưa cao do bất ổn khó lường từ tình hình thế giới. Do đó, cần quan tâm hơn đến phát triển thị trường nội địa; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, tạo động lực về đầu tư, ưu tiên thu hút doanh nghiệp công nghệ cao phát triển…

Tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Nông nghiệp

Nhận định về sự phát triển kinh tế-xã hội trong năm qua, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, kinh tế trên thế giới và ở khu vực còn khó khăn, tính ổn định còn kém dẫn đến nhu cầu đầu tư giảm. Trong bối cảnh đó, chúng ta giữ được tăng trưởng hơn 5% là đáng trân trọng. Lần đầu tiên chúng ta có quy mô kinh tế lớn.

Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, điều đáng mừng là xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt là xuất khẩu gạo tăng cao nhất từ trước đến nay, nhưng cũng chỉ ra rằng, nhiều loại nông sản còn tiềm năng lớn.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân.

Bày tỏ quan tâm đến biến đổi khí hậu tác động đến sự phát triển Nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Chính phủ cần có đánh giá tổng quan đến năm 2025 có báo cáo đánh giá giải pháp cung cấp đủ nước cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho ngành Nông nghiệp thì cần có giải giải pháp nâng tỷ lệ vay vốn của hợp tác xã từ ngân hàng với chỉ tiêu cụ thể.

Trong khuôn khổ Phiên họp tổ, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh còn cho ý kiến vào công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Theo đó, đa số các ĐBQH cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm, rà soát sự lãng phí đối việc thực hiện các dự án đầu tư công, chậm tiến độ. Bên cạnh đó là quan tâm hơn tới việc sử dụng ngân sách tiết kiệm khi tổ chức các lễ hội văn hóa, hoạt động nghệ thuật…

** Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham dự Phiên thảo luận tại Tổ sáng 23/5.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi - Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.

ĐBQH Trần Kim Yến.

ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng.

ĐBQH Nguyễn Tri Thức.

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân./.

Bích Lan - Minh Thành

Các bài viết khác