Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương cùng tham gia chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.
Đại biểu Sùng A Lềnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai
Đại biểu Sùng A Lềnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong thời gian triển khai vừa qua Chương trình đã bước đầu tạo được những tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát, từ những phản ánh của cử tri và Nhân dân, trong thực tiễn triển khai Chương trình đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần phải điều chính đối tượng, phạm vi, nội dung và chỉ tiêu cụ thể của các dự án, tiểu dự án, nội dung dự án thành phần thuộc Chương trình. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình là cần thiết và cấp bách để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra.
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho rằng, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình là phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, hồ sơ trình Quốc hội đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình cũng đã đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đi vào góp ý cụ thể, các đại biểu đề nghị cần bổ sung các danh mục: Trường Cao đẳng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện tại một số địa phương.
Lý giải về đề xuất này, đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, lĩnh vực đầu tư cơ sở đào tạo nghề có địa điểm ngoài xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được đề cập trong nội dung Tờ trình số 190 của Chính phủ. Bên cạnh đó, các Trường Cao đẳng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở công lập giáo dục nghề nghiệp có chức năng tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề theo quy định. Đây là các đối tượng (Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) được thực hiện tiểu dự án 3 của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
“Tuy nhiên, địa điểm của Trường Cao đẳng và trụ sở của các Trung tâm này không thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Tờ trình số 190 ngày 24/4/2024 của Chính phủ chưa có danh mục này nên cần thiết phải bổ sung các danh mục, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình”, đại biểu Sùng A Lềnh nêu rõ.
Các đại biểu tại Phiên họp
Liên quan đến điều chỉnh về nguồn vốn, Chính phủ đang đề xuất nguồn vốn thực hiện gồm vốn đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 và vốn sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo các nghị quyết của Quốc hội. Về nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc. Theo đó, sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 đã được phân bổ, trong đó có cả vốn ngân sách trung ương và vốn sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo đề xuất của Chính phủ nhằm ổn định kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Về điều chỉnh phạm vi đầu tư, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, Chính phủ đang đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán đầu tư cơ sở vật chất. Các nhóm đầu tư này đều có trụ sở không thuộc địa bàn quy định tại Nghị quyết số 120. “Về nội dung này, tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, khi bổ sung các nhóm này sẽ làm tăng tổng mức đầu tư của Nghị quyết 120. Do vậy, đề nghị cần làm rõ kinh phí được sử dụng từ nguồn nào để bù vào.
Qua giám sát và nắm tình hình thực tế địa phương, đại biểu Phan Thái Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, việc đào tạo nghề cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện rất khó triển khai, vì ít có trường nghề, trung tâm dạy nghề ở khu vực này. Nếu trường nghề từ đồng bằng lên mở chi nhánh đào tạo ở đây cũng “rất khó” vì người dân sống phân tán, không đủ quy mô để mở chi nhánh đào tạo, trong khi nếu đào tạo quy mô nhỏ thì chi nhánh này cũng không thể tồn tại được. Thực tế này dẫn đến tình trạng, người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó được đào tạo nghề vì không có trường dạy nghề ở đây, mà về vùng đô thị học lại không được hỗ trợ bởi Chương trình.
Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu đề nghị cần cân nhắc mở rộng đối tượng của Chương trình đối với trường dạy nghề, trung tâm đào tạo nghề có đào tạo người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi dù nằm ở các khu vực khác, thậm chí cả ở khu vực đồng bằng. Tức là, chuyển từ bổ sung một số đơn vị sự nghiệp công lập vào đối tượng của Chương trình như đề xuất của Chính phủ sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng chính sách (người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Đại biểu cũng lưu ý, nếu quy định theo hướng nêu tên của các đơn vị công lập được đưa vào Chương trình như hiện nay cũng có nguy cơ sớm lạc hậu, vì trong quá trình thực hiện rất dễ phát sinh đối tượng phải bổ sung, buộc phải tiếp tục điều chỉnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình cũng đề nghi cần mở rộng đối tượng của Chương trình bên cạnh các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn đã được quy định tại Nghị quyết số 120/2020/QH14. Bởi, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động ở vùng đặc biệt khó khăn chủ yếu có quy mô nhỏ và rất nhỏ, khó bao tiêu hết sản phẩm được người dân làm ra.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Một số hình ảnh tại Phiên họp: