THẢO LUẬN TỔ 13 VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ: NHẤT TRÍ BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG CẢNH VỆ

24/05/2024

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Tại Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang, các đại biểu nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ để khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung những quy định mới để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; đồng thời tán thành với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC NỘI TẠI VÀ SỨC CHỐNG CHỊU CỦA NỀN KINH TẾ

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận Tổ.

Tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới.

Đồng thời, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ trong thời gian vừa qua, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới, góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.

Thảo luận tại Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang

Trên cơ sở Tờ trình, hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, tại phiên thảo luật Tổ, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về giải thích từ ngữ; quy định về các đối tượng cảnh vệ; về sửa đổi quy định bố trí lực lượng cảnh vệ; bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ; về giấy bảo vệ đặc biệt và một số nội dung khác.

Phát biểu tại Tổ 13, nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao như dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng việc bổ sung đối tượng cảnh vệ như dự thảo Luật là phù hợp với tính chất và tầm quan trọng của ba chức danh này trong hệ thống chính trị của nước ta, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, sự công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phù hợp với Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Đại biểu Trần Thị Vân cũng nhất trí với quy định về biện pháp chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cao cấp của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời cho biết các biện pháp và các chế độ cảnh vệ đã và đang được áp dung, nay được luật hóa là phù hợp. Để đảm bảo rõ ràng và dễ theo dõi, dễ thực hiện, đại biểu cũng đề nghị nên thiết kế riêng một điều quy định cả các biện pháp cũng như chế độ cảnh vệ đối với từng đối tượng cảnh vệ.

Tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ để khắc phục những tồn tại, bất cập cũng như bổ sung những nội dung quy định mới để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cũng bày tỏ nhất trí cao với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ đối với ba chức danh: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao. Đại biểu làm rõ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là hai chức danh tư pháp, có những đặc thù, liên quan đến việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nên tiềm ẩn nguồn nguy hiểm đối với người giữ các chức danh, chức vụ này. Vì vậy cần thiết phải bổ sung vào đối tượng cảnh vệ.

Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Bên cạnh đó, dự thảo Luật dự kiến bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an trong việc quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 của Luật Cảnh vệ. Điều 10 của Luật Cảnh vệ quy định cụ thể tất cả các trường hợp phải thuộc đối tượng cảnh vệ.  Đối với quy định này, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị Ban soạn thảo rà soát thêm, đánh giá tính tương thích phù hợp với quy định của Hiến pháp. Mặt khác, trong trường hợp bổ sung thêm thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, thì cũng cần thiết phải xem xét, cân nhắc đối với thẩm quyền của cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Liên quan đến tổ chức lực lượng cảnh vệ, đại biểu Ngô Trung Thành cho biết, dự thảo Luật quy định: lực lượng cảnh vệ gồm lực lượng cảnh vệ công an nhân dân và lực lượng cảnh vệ quân đội nhân dân.

Đại biểu cho rằng quy định như dự thảo không rõ ràng và mạch lạc như Luật hiện hành khi quy định rõ lực lượng cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng và xác định rõ lực lượng cảnh vệ bao gồm cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ tư lệnh cảnh vệ thuộc Bộ Công an và cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ thuộc Cục bảo vệ an ninh quân đội thuộc Bộ Quốc phòng. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ nội dung này, trường hợp mở rộng, xây dựng thành hệ thống cả Trung ương và cả cấp tỉnh thì cần phải có báo cáo để Quốc hội xem xét.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ:

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành phiên thảo luận tại Tổ 13

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác