THẢO LUẬN TỔ 13 VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI: LẤY DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN LÀM TRUNG TÂM ĐỂ HỖ TRỢ MỘT CÁCH THỰC CHẤT
Thảo luận tại Tổ 09 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Phú Yên và Bến Tre về tình hình kinh tế - xã hội
Phát biểu tại Tổ 09 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Phú Yên và Bến Tre, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang cực kỳ khắc nghiệt. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành có liên quan đã hỗ trợ, triển khai nhiều hoạt động trong đó có hệ thống thủy lợi để giúp bà con đồng bằng sông Cửu Long nhưng vẫn chưa đủ, hậu quả người dân phải gánh chịu là rất nặng nề. Do đó, cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài.
Theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, về trước mắt, chính quyền các địa phương từ nguồn vốn đầu tư có thể làm những hệ thống kênh nhỏ, hồ chứa nước thủy lợi nội đồng hoặc khuyến khích người dân là trữ nước mưa, nước ngọt. Về lâu dài, phải có sự đầu tư căn cơ và tính đế yếu tố liên vùng.
Khi đã thấy được nguyên nhân, hạn chế, tồn tại trong hạn mặn của đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị Chính phủ có một chương trình cho vấn đề nước ngọt và nước sạch của cả khu vực và cả nước, không chỉ riêng cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn
Nhấn mạnh vấn đề quản lý nguồn nước, chất lượng nước, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng của người dân là vấn đề rất thiết yếu, nếu không chú ý đến thì chất lượng sức khỏe, dân số của người dân cũng sẽ ảnh hưởng, do đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị phải có giải pháp lâu dài đối với hạn mặn và phải hết sức tập trung giải quyết, không để tình trạng này tái đi tái lại, để cuộc sống người dân sẽ không còn khổ.
Bày tỏ đồng tình, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đặng Xuân Phương cũng cho rằng tình trạng xâm ngập mặn của khu vực Tây Nam Bộ rất đáng báo động. Theo đại biểu, đất nước ta liền một dải, những tác động ở đầu này đều liên quan đến đầu khác.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, nếu như cách đây khoảng 5 - 6 năm, khi vào Bến Tre, xâm ngập chỉ 40km đến 50km. Năm nay xâm ngập mặn lên đến 70km - 80km. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng đến các vườn trái cây.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đặng Xuân Phương
Từ thực trạng trên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Quốc hội nghiên cứu để có một Chương trình mục tiêu quốc gia về chống xâm ngập mặn riêng cho miền Tây. Đây là vấn đề về an ninh kinh tế, an ninh nguồn nước của quốc gia, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đánh giá cao khi lần đầu tiền vấn đề an ninh nguồn nước được đề cấp sâu và chi tiết trong báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội với nhiều nội dung được đề cập, nhiều giải pháp được đưa ra. Song theo đại biểu vẫn chưa có những giải pháp căn cơ, một hay hai tỉnh cũng không làm được.
Do đó đại biểu cũng cho rằng cần có một nghị quyết riêng cho đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề thích ứng ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống hạn mặn trong thời gian tới. Theo đại biểu, nghị quyết này sẽ giống như nghị quyết đặc thù cho cả vùng, có những giải pháp căn cơ và các tỉnh có được sự hỗ trợ liên kết với nhau để tổ chức thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Tại Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cũng phản ánh, thời gian gần đây, khi bước vào mùa hạn, mùa khô, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất, kinh doanh đang trở thành điểm nóng, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. Người dân loay hoay để ứng phó với thiếu nước. Mặc dù, Chính phủ đã có những hỗ trợ, chỉ đạo các bộ, ngành, các lực lượng vào cuộc cùng với địa phương nhưng chỉ mang tính trước mắt, không bền vững.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị cần phải bố trí được nguồn kinh phí từ các nguồn để giải quyết vấn đề liên quan tới thủy lợi, đặt vấn đề này vào đúng trọng tâm, đúng yêu cầu; có hỗ trợ các địa phương để tiếp tục mở rộng, gia cố các công trình thủy lợi và đặc biệt là các hồ chứa nước dự phòng để đảm bảo nước khi bắt đầu bước vào mùa khô hạn.
Bày tỏ băn khoăn trước thực tế các địa phương rất thiếu nguồn lực, rất khó khăn để bảo đảm nước phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Chính phủ cần có quan tâm thêm khi thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ 13 các Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang
Chia sẻ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết biến đổi khí hậu đang tác động rất mạnh không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà còn tại các khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên. Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp như trong báo cáo, trong đó, phải tập trung những giải pháp trong ngắn hạn và có tính đến dài hạn. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ lưu ý, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Về hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ, khu vực này có nền đất yếu, kênh rạch, sông ngòi chia cắt. Lượng mưa giảm, nước ở thượng nguồn về giảm. Cùng với đó, việc khai thác nước ngầm tùy tiện cũng làm sụt lún nền của đồng bằng sông Cửu Long. Khi nền sụt xuống, nước về thấp thì nước mặn xâm ngập nhiều.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ- CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó xác định “sống thuận thiên” chứ không cưỡng lại. Đồng thời, quy hoạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phân rõ các tiểu vùng trồng trái cây, nuôi thủy sản, trông lúa…, phân định rõ những vấn đề lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trong phiên thảo luận Tổ 09
Chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề nước ngọt, nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng trước mặt chưa cần thiết xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng lý giải, trong hai nhiệm kỳ vừa qua, tổng mức đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn dành cho đồng bằng sông Cửu Long đã được tăng lên nhiều, từ 16% của giai đoạn 2010 - 2011, đã nâng lên 18% của giai đoạn 2015-2020 và trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã nâng lên gần 20%.
Bên cạnh đó, đồng bằng sông Cửu Long đã được bố trí riêng cho 13 dự án DPO với vốn vay ODA riêng không nằm trong cân đối, với tổng quy mô vốn bằng 2/3 của ba Chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang làm. Các dự án này để bọc toàn bộ đường ven biển của đồng bằng sông Cửu Long khép kín, khắc phục hạn mặn và biến đổi khí hậu, mở rộng không gian kinh tế, quốc phòng, an ninh...Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới việc triển khai các dự án được đẩy nhanh hơn nữa sẽ góp phần giải quyết vấn đề./.