ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV: KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG, GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO THÀNH CÔNG CHUNG

30/06/2024

Sáng 29/6, Quốc hội đã bế mạc Kỳ họp thứ 7 sau 27,5 ngày làm việc, hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo lập hành hang pháp lý cho việc tiếp tục giải quyết các vấn đề mới phát sinh, tháo gỡ hiệu quả hơn một số tồn tại, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/06: BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Tại kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tham gia sôi nổi trong các nội dung; thẳng thắn thể hiện rõ quan điểm trên cơ sở thực tiễn và nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Những đóng góp của Đoàn được đánh giá là có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm được Chủ tọa kỳ họp, các ĐBQH và cử tri, Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ĐQBH tỉnh Quảng Ninh tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7

Nhiều đóng góp chất lượng được đúc kết từ thực tiễn địa phương

Kỳ họp thứ Bảy là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, cả về xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, nhiều nội dung được bổ sung vào chương trình khá gấp, khó và phức tạp, bao phủ toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tại hội trường

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia thảo luận tại Tổ 9 cùng các Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre

Tại kỳ họp này, các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tích cực nghiên cứu, tham gia ý kiến vào nội dung các phiên thảo luận; đã có 8/8 đại biểu đăng ký phát biểu với 35 lượt phát biểu trực tiếp tại tổ và hội trường.

Tham gia nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ hoàn thiện về hệ thống chính sách, pháp luật để thực hiện triệt để các giải pháp phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế khu vực, quốc tế có nhiều biến động.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thắng tại phiên thảo luận tại Tổ 9

Bày tỏ trăn trở về thực tế triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay còn thiếu đồng bộ, thống nhất; đặc biệt có những nội dung trùng lặp khi sự kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác…, đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các chương trình. Qua đó, rút kinh nghiệm và đưa ra những hướng chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả trong các giai đoạn tiếp theo của chương trình

Bên cạnh thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì thẩm tra nhiều nội dung quan trọng trình kỳ họp, ĐBQH Vũ Hồng Thanh còn tham gia hết sức tích cực, đề xuất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế; những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và những nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án luật...

Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Thanh tham gia thảo luận tại tổ

​​Đáng chú ý, tại kỳ họp này, nhiều vấn đề thực tiễn được đúc kết, ghi nhận tại Quảng Ninh cũng đã được các ĐBQH tỉnh chuyển tải đến kỳ họp. Đơn cử như, trong phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ĐBQH Đặng Xuân Phương đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù, chương trình mục tiêu quốc gia riêng về xâm nhập mặn. Trong đó, việc xây dựng, đắp đê điều có thể tận dụng những nguồn đất đá thải mà tại Quảng Ninh, đây là nguồn vật liệu cung cấp hiệu quả cho các công trình tôn tạo, đắp đê điều, kè chống xâm nhập mặn…

Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương tham gia thảo luận tại tổ

​Hay liên quan đến dự án Luật Địa chất và khoáng sản, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, cần điều chỉnh nội dung trong giấy phép khai thác khoáng sản là công suất khai thác phương án để phù hợp với điều kiện thực tế của các dự án khai thác đầu tư thống nhất, đồng bộ với thời hạn hoạt động của dự án đầu tư. Đối với quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư cho khu kinh tế thực hiện tại địa bàn có điều kiện xã hội khó khăn hoặc các địa bàn khác, đại biểu cho rằng, thời hạn khai thác xây dựng cơ bản, thời gian khai thác và thời gian đóng cửa mỏ được xác định là không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm. Đại biểu tham góp nhiều ý kiến liên quan đến quy định về giám đốc điều hành mỏ. Qua đó, đề nghị khai thác khoáng sản phải có giám đốc điều hành mỏ và giám đốc điều hành mỏ chỉ điều hành một mỏ khai thác khoáng sản trừ trường hợp quy định, chứ không phải đây là một giấy phép khai thác khoáng sản...

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu về dự án Luật Địa chất và khoáng sản

​Cùng cho ý kiến vào dự thảo luật này, ĐBQH Đỗ Thị Lan đã chỉ rõ một số bất cập cần phải được làm rõ và cụ thể phù hợp hơn về lập quy hoạch ngành chiến lược quốc gia về khoáng sản. Đồng thời, đề nghị dự thảo cần tập trung giải quyết được một số bất cập tại một số địa phương hiện nay. Trong đó, có tình trạng thiếu đất để đầu tư hạ tầng nhưng đất quy hoạch khoáng sản thì nhiều năm không sử dụng; chồng lấn giữa các quy hoạch điều chỉnh, mất rất nhiều thời gian. Dẫn chứng tại Quảng Ninh, địa biểu cho biết, các mỏ than đang khai thác với diện tích sử dụng khoảng 11.000ha nhưng diện tích để quy hoạch thì vào khoảng trên 50.000ha gấp gần 5 lần diện tích cần phải sử dụng để hoạt động khoáng sản và thời gian thực hiện đến năm 2030…

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan phát biểu góp ý hoàn thiện dự án Luật Địa chất và khoáng sản

​Trách nhiệm trước những vấn đề nổi cộm của đời sống

Về hoạt động giám sát, các ĐBQH trong Đoàn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong nội dung chất vấn các thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước. Là ĐBQH đầu tiên trong Đoàn tham gia chất vấn, ĐBQH Trần Thị Kim Nhung đã chia sẻ mối quan tâm đối với lĩnh vực công thương thông qua nội dung tranh luận về các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử.

Đại biểu cho biết, trong nội dung trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra những giải pháp trọng tâm, song các giải pháp về kỹ thuật công nghệ thì chưa được nhắc tới. Do đó, đại biểu đề nghị, Bộ trưởng làm rõ nhóm giải pháp này có được chú trọng và coi là đột phá để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử. Nội dung tranh luận này nhận được sự tán thành rất cao từ phía "tư lệnh ngành" công thương, thông qua khẳng định: Đây là một trong những giải pháp quan trọng; đặc biệt là trong thời đại công nghệ số hiện nay. Việc triển khai giải pháp này là trách nhiệm phối hợp của rất nhiều bộ, ngành; nhất là ngành thông tin truyền thông, tài chính, khoa học, công nghệ và đặc biệt, cần có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp, người dân.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Trong nội dung chất vấn về lĩnh vực kiểm toán, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đã thẳng thắn đánh giá, còn nhiều kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện, kéo dài qua nhiều năm. Qua đó, đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục? Trước chất vấn đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, khẳng định sẽ quyết tâm, quyết liệt nâng cao kết luận kiến nghị kiểm toán, kiến nghị thật đúng, thật trúng để các đơn vị thuận lợi trong triển khai thực hiện. Tăng cường đôn đốc, công khai danh sách các tổ chức cá nhân chưa thực hiện các kết luận kiểm toán trên trang web của Kiểm toán Nhà nước.

Cũng liên quan đến lĩnh vực kiểm toán, ĐBQH Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đã thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn hạn chế trong công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về ngân sách nhà nước và các cơ quan đơn vị liên quan; việc sử dụng ngân sách nhà nước có nơi chưa hiệu quả, còn lãng phí, nguồn lực bố trí cho nhiều nội dung không thực hiện được… Nêu bật thực trạng, đại biểu nhấn mạnh, những bất cập trong công tác lập, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước cần được đưa vào nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và cần có giải pháp để khắc phục.

 

Nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề cập trong nội dung chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước

Nhanh chóng lan tỏa thành công của kỳ họp

Theo dõi Kỳ họp thứ Bảy trong gần 1 tháng qua vừa qua, cử tri nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đánh giá rất cao tinh thần làm việc hết sức trách nhiệm, chất lượng của các ĐBQH. Nhiều đánh giá khoa học, chính xác, có chiều sâu đã được các ĐBQH đưa ra; chỉ ra những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, những điểm chưa phù hợp trong các quy định pháp luật và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh các phiên họp được truyền hình trực tiếp, các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được các cơ quan báo chí của Trung ương và tỉnh cập nhật thường xuyên. Cử tri hết sức vui mừng, phấn khởi khi thấy những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tham gia đóng góp nhiều nội dung quan trọng; truyền tải đầy đủ tâm tư nguyện vọng đến với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.

Các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh trao đổi bên hành lang Kỳ họp

Theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức để các vị ĐBQH tiếp xúc cử tri trước tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của 3.644 cử tri, Nhân dân toàn tỉnh để thông tin nội dung, chương trình kỳ họp và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị.

Sau tiếp xúc cử tri, Đoàn đã tổ chức hội nghị với Thường trực UBND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 26 nội dung kiến nghị; gửi UBND tỉnh với 14 nội dung kiến nghị.

Đoàn cũng tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị và chuyên gia; tổng hợp các ý kiến tham gia gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH trong Đoàn. Đồng thời, triển khai cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân cấp tỉnh, huyện trên địa bàn và chuyển đến nghị trường không ít vướng mắc, bất cập; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của chế định quan trọng này…

Ngay sau kỳ họp, để nhanh chóng lan tỏa về thành công của kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ triển khai để ĐBQH tiếp xúc, thông báo nhanh tới cử tri toàn tỉnh kết quả Kỳ họp. Đồng thời, tập trung tuyên truyền các nội dung được kỳ họp thông qua, nhất là một số dự án luật, nghị quyết có tác động ảnh hưởng sâu tới đời sống tầng lớp Nhân dân. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng sẽ tiếp tục đôn đốc, tổng hợp kết quả trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; tổ chức giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về di sản văn hóa; tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; tham gia các hoạt động do Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức…

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh NGUYỄN THỊ THU HÀ

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)