PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ THANH: ỦNG HỘ CHÍNH PHỦ ĐỀ XUẤT CÁC BIỆN PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN VÀ TẠO ĐIỀU KIỆN KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI
THẢO LUẬN TỔ 12: QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ ĐIỀU KIỆN PHÒNG CHÁY VÀ THOÁT NẠN ĐỐI VỚI NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH
Các ĐBQH thuộc Tổ 12 tham gia Phiên thảo luận
Thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận. Đa số các ĐBQH đồng thuận với việc dự án Luật được xây dựng với quan điểm nhằm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, trong Phiên thảo luận tại Tổ 12 diễn ra sáng 20/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Một trong những nguyên lý là "làm gì cũng phải có quy hoạch, có chiến lược". Thế nhưng, quan trọng là cách thiết kế, tổ chức thực hiện các quy hoạch này như thế nào cho khoa học, mạch lạc để bảo đảm tính khả thi, không bị chồng chéo và thuận lợi cả trong quản lý và quá trình tổ chức thực hiện, tránh tình trạng mất rất nhiều kinh phí vào công tác quy hoạch, mất nhiều thời gian để xin ý kiến các chuyên gia, các ngành, các cấp và Nhân dân về việc lập quy hoạch, nhưng hiệu quả thấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn
Trong công tác quy hoạch có yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, quản lý và xây dựng phát triển đô thị bền vững. Nêu quan điểm vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và quy tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, thích hợp của hệ thống quy hoạch gắn chặt với quy hoạch nông thôn và quy hoạch đô thị.
Đề cập về xây dựng quy hoạch nông thôn gắn với quy hoạch đô thị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần quan tâm phát triển các quy hoạch đô thị nhỏ loại 4, loại 5 và các vùng ven đô, bảo đảm mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn rõ về chức năng nhưng không phá vỡ, hay tạo khoảng cách giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn. Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng tăng, không vì đô thị hóa mà làm ảnh hưởng đến nông thôn - nơi giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc Việt Nam.
Hạn chế quy hoạch chồng quy hoạch dẫn đến khó quản lý
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, thời gian qua, việc tổ chức lập và quản lý quy hoạch được thực hiện theo Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, sẽ có một số bất cập liên quan đến các nội dung trong dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn khi có lực thi hành. Cụ thể: Tại các đô thị loại 3,4,5 hoặc đô thị mới dự kiến thành lập đô thị mới loại 3,4,5, Quy hoạch chung được triển khai theo tỷ lệ 1/10.000 và chủ yếu quy định chức năng, tính chất sử dụng đất mà không quy định các chỉ tiêu kỹ thuật (mật độ xây dựng, tầng cao…) tại một số khu vực này đang lập hoặc đã phê duyệt các quy hoạch phân khu thuộc đối tượng được lập theo quy định. Tuy nhiên, trong dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đối tượng lập quy hoạch phân khu chỉ thực hiện đối với đô thị loại 2 trở lên hoặc đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại 2 trở lên.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Chính vì lý do đó, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đối với các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã phê duyệt hoặc đang triển khai lập phải có quy định chuyển tiếp để thuận lợi trong quá trình quản lý quy hoạch trong giai đoạn giao thời áp dụng theo Quy định mới của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Cụ thể, là đối với các khu vực đô thị đã có Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 được phê duyệt, nếu tại các khu vực này đủ điều kiện rà soát lập điều chỉnh quy hoạch chung thì lập theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, và triển khai lập các quy hoạch cấp dưới theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Còn nếu không lập điều chỉnh quy hoạch chung thì vẫn cho phép triển khai lập quy hoạch phân khu (không ràng buộc theo đối tượng từ đô thị loại II trở lên như dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn), trình tự và nội dung lập thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Tại khoản 5, Điều 5 của dự án Luật quy định: “Trường hợp xã thuộc thành phố, thị xã có trên 50% diện tích tự nhiên đã được định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch chung thành phố, thị xã và được dự kiến trong quy hoạch tỉnh để thành lập đơn vị hành chính đô thị mới thì được lập quy hoạch chung đô thị mới với phạm vi toàn xã hoặc theo phạm vi, quy mô diện tích phù hợp với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị mới và không lập quy hoạch chung xã”.
Theo ĐBQH Nguyễn Minh Tâm, để hạn chế quy hoạch chồng quy hoạch dẫn đến khó quản lý, đề nghị đối với trường hợp xã thuộc thành phố, thị xã có trên 50% diện tích tự nhiên đã được định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch chung thành phố, thị xã và được dự kiến trong quy hoạch tỉnh để thành lập đơn vị hành chính đô thị mới thì không phải lập quy hoạch chung xã; quy mô dân số, diện tích toàn xã được tính toán để đưa vào phạm vi lập mới hoặc điều chỉnh mở rộng trong quy hoạch chung thành phố, thị xã.
Đại biểu Nguyễn Thành Công – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Đề cập về mối quan hệ giữa các quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thành Công – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nêu quan điểm: Qua giám sát, khảo sát, nhiều địa phương báo cáo về sự chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành khác. Mức độ chi tiết của các cấp độ quy hoạch chung – quy hoạch phân khu – quy hoạch chi tiết (thuộc hệ thống quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng) còn chưa phù hợp. Quy hoạch chi tiết 1/500 gắn với dự án đầu tư do nhà đầu tư lập nhưng lại phải được cơ quan nhà nước phê duyệt, khi dự án đầu tư có điều chỉnh theo phương án của nhà đầu tư thì lại phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết mới thực hiện được. Một số trường hợp điều chỉnh quy hoạch chi tiết dẫn đến điều chỉnh quy hoạch phân khu, thậm chí quy hoạch chung, nhưng quy trình điều chỉnh quy hoạch rất phức tạp, tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Dự án Luật quy định tại khoản 3 Điều 7 về xử lý khi có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch, xác định theo thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và thời điểm phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thành Công băn khoăn, liệu căn cứ xác định như vậy có phù hợp không? Do Điều 6 Luật Quy hoạch năm 2017 quy định việc này “căn cứ vào cấp quy hoạch”. Nếu căn cứ vào quy hoạch cấp trên để thực hiện thì có còn vai trò của quy hoạch cấp dưới không, có phù hợp không? Có dẫn đến nhầm lẫn về tính chất, còn giữ được ý nghĩa của mỗi loại quy định, mỗi cấp độ quy hoạch không? Có phù hợp với nguyên lý cụ thể hóa dần giữa các cấp độ quy hoạch không? Có phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở... không? Nếu có thể căn cứ vào quy hoạch cấp trên để thực hiện thì có còn cần thiết điều chỉnh quy hoạch nữa không? Do vậy, đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị những thắc mắc trên cần được Chính phủ và cơ quan thẩm tra làm rõ trong dự án Luật.
Theo chương trình của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn vào ngày 28/6 tới./.