TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ VÀ THẨM QUYỀN GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TẠI ĐỊA PHƯƠNG

22/07/2024

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024). Góp ý vào dự án luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang kiến nghị, cần tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương, nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, ĐBQH, Đoàn ĐBQH nhằm đảm bảo các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời;…

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI: TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, HIỆU QUẢ, GẮN VỚI THỰC TIỄN TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Hoạt động giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Chủ thể giám sát bao gồm: Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội,...Trong đó, Đoàn ĐBQH tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn và tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia giám sát với Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại địa phương.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tại Phiên họp toàn thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội 

Chia sẻ về thực tiễn hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, hằng năm, căn cứ thực tiễn, Đoàn ĐBQH tỉnh đã lựa chọn những nội dung, những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, việc chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước, những vấn đề mà cử tri bức xúc để đưa vào Chương trình và thực hiện giám sát nhằm tìm ra những mô hình, cách làm hay, kinh nghiệm quý để phát huy, nhân rộng. Đồng thời, cũng phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập, vướng mắc để kiến nghị với các cấp, các ngành tháo gỡ vướng mắc, bất cập, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tổ chức thực hiện giám sát theo yêu cầu của Quốc hội, UBTVQH và phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc Quốc hội thực hiện giám sát trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

Từ năm 2016 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã thực hiện hoàn thành 35 cuộc giám sát. Trong đó: Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV thực hiện 25 cuộc giám sát; Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV thực hiện 10 cuộc giám sát;... Thông qua các cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 301 kiến nghị đối với các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương (160 kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, 129 kiến nghị với tỉnh, 12 kiến nghị với cấp huyện).

Các chuyên đề giám sát đã được Đoàn ĐBQH tỉnh chủ động ban hành quyết định thành lập đoàn, xây dựng chương trình và đề cương giám sát; tập trung tiến hành giám sát theo đúng tiến độ đề ra. Các cuộc giám sát, Đoàn đã mời các chuyên gia là những người có trình độ, có kinh nghiệm quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực để tham gia Đoàn giám sát, giúp cho Đoàn có cách nhìn nhận, đánh giá chuyên sâu hơn. Quy trình tổ chức giám sát cũng được thực hiện đúng theo các quy định của luật; thời gian tiến hành giám sát cũng được bố trí hợp lý hơn; địa bàn giám sát cũng được xem xét điều chỉnh một cách hài hoà, tránh chồng chéo về địa bàn cũng như hạn chế được tình trạng quá tải cho cơ sở.

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang giám sát đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn trên tuyến Quốc lộ 2 thuộc địa bàn huyện Bắc Quang.

Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh kết hợp giữa nghiên cứu các tài liệu, báo cáo của các cơ quan, đơn vị liên quan với khảo sát thực tế ở cơ sở, sau đó giám sát trực tiếp đối với các cơ quan đơn vị để làm rõ những kết quả, tồn tại, vướng mắc, đồng thời cũng chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Từ đó, có những kiến nghị, đề xuất khắc phục những tồn tại hạn chế và nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi kết thúc đợt giám sát, trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và qua hoạt động giám sát trực tiếp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ban hành báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát theo đúng quy định.

Ngoài ra, công tác tiếp nhận, phân loại, nghiên cứu, xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri được Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện 01 cuộc giám sát chuyên đề về giải quyết chế độ chính sách theo Quyết định số 62  bằng hình thức giám sát phối họp xác minh, làm rõ; phối hợp với Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện 01 cuộc giám sát tại tỉnh Hà Giang. Đoàn ĐBQH tỉnh còn thực hiện thường xuyên giám sát qua tiếp công dân, qua tiếp xúc cử tri, qua làm việc với các cơ đơn vị của tỉnh, qua văn bản trả lời, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân của các cơ quan chức năng ở địa phương; đồng thời, tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh, Ban tiếp công dân của tỉnh trong công tác giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân…

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế như: Một số nội dung giám sát thực hiện chất lượng chưa cao, mới chỉ dừng ở việc giám sát qua báo cáo, chưa thực hiện khảo sát, giám sát tại cơ sở; Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết đơn thư vẫn chưa quyết liệt, nên vẫn xảy ra tình trạng một số cơ quan chức năng chậm giải quyết và trả lời đơn thư;…

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan

Từ thực tiễn hoạt động, tham gia ý kiến đối với dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan khẳng định sự cần thiết xây dựng, ban hành để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua…

Góp ý vào nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang bày tỏ tán thành cao với việc bổ sung thêm 01 nguyên tắc mới về hoạt động giám sát, bổ sung một số điều luật mới quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, vấn đề chất vấn, vấn đề giải trình trong hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND; bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thực hiện chất vấn kết hợp với xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề và các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp Quốc hội và tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Bên cạnh đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cũng đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, như sau:

Thứ nhất, cần quy định cụ thể hơn nữa về quy trình, thủ tục giám sát của từng chủ thể có thẩm quyền tiến hành hoạt động giám sát của Quốc hội; phương thức giám sát; trách nhiệm trong phối hợp hoạt động giám sát; quy trình thủ tục xem xét trách nhiệm chính trị và áp dụng biện pháp chế tài đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức vi phạm hoặc không thực hiện kiến nghị qua giám sát...

Thứ hai, đối với vấn đề thông tin kết quả trả lời chất vấn bằng văn bản. Đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn hình thức, trách nhiệm chuyển tải nội dung trả lời chất vấn đối với các trường hợp bị chất vấn mà không trả lời trực tiếp tại kỳ họp cho Nhân dân để nhằm đảm bảo cho tất cả các cử tri, Nhân dân biết được nội dung trả lời chất vấn (trừ trường hợp có liên quan đến bí mật nhà nước).

Thứ ba, tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương, nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, thẩm tra, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, ĐBQH, Đoàn ĐBQH nhằm đảm bảo các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời; chú trọng giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước./.

Lê Anh