HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI: TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, HIỆU QUẢ, GẮN VỚI THỰC TIỄN TẠI ĐỊA PHƯƠNG

02/01/2024

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, hiệu quả giám sát của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Trong năm 2023, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, gắn với thực tiễn địa phương, đóng góp quan trọng vào kết quả giám sát chung của Quốc hội.

GÓC NHÌN: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2024 TỪ KINH NGHIỆM THỰC TẾ TẠI ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH

Quốc hội khóa XV

Chủ động, bám sát Chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội

Căn cứ Nghị quyết về chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề để phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Bên cạnh đó, trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, những vấn đề bức xúc, được cử tri và nhân dân quan tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn các chuyên đề phù hợp để tổ chức giam sát tại địa phương.

Để có góc nhìn toàn diện hơn, đa chiều hơn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, tùy thuộc vào nội dung giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội mời thêm đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Ban đảng Tỉnh ủy, Thành ủy, thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại diện các sở, ngành thuộc lĩnh vực có liên quan hoặc mời chuyên gia có chuyên môn sâu tham gia các cuộc giám sát. Để cuộc giám sát đạt hiệu quả, các Đoàn đã lựa chọn những địa phương, đơn vị có tính đại diện cao, có nhiều mô hình, có tính đặc thù riêng, nơi có nhiều khó khăn, vướng mắc để tổ chức giám sát trực tiếp; còn lại là những địa phương, đơn vị sẽ thực hiện giám sát qua báo cáo. Quan tâm tham khảo, sử dụng các báo cáo, kết luận, kiến nghị của Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, cơ quan Ủy ban Kiểm tra, cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra có liên quan đến nội dung giám sát chuyên đề.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố tích cực triển khai hoạt động giám sát

Sau các cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội đều có báo cáo kết quả giám sát, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, cấp ủy, chính quyền địa phương và đối tượng chịu sự giám sát, các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện và công khai trên báo chí, trên Cổng thông tin của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố để cử tri và Nhân dân tiếp tục theo dõi, giám sát. Nhiều kiến nghị giám sát đã góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho các đối tượng được thụ hưởng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Tổ chức giám sát chuyên đề phù hợp với thực tiễn địa phương

Trong năm 2023, mặc dù khối lượng công việc lớn, yêu cầu cao, nguồn nhân lực còn hạn chế, nhưng các Đoàn đại biểu Quốc hội đã triển khai đầy đủ các giám sát chuyên đề theo yêu cầu của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề. Cùng với đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề nóng, bức xúc về kinh tế - xã hội, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm cơ sở để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn “đúng” và “trúng” tại các kỳ họp, phiên họp.

Trong phạm vi địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã lựa chọn nhiều nội dung giám sát chuyên đề gắn với tình hình thực tế của địa phương, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri địa phương; giám sát thông qua hoạt động tiếp công dân, theo dõi giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tích cực phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố để thực hiện nhiệm vụ giám sát bảo đảm khách quan, toàn diện, đúng chức năng. Đáng chú ý, có Đoàn đại biểu Quốc hội đã quan tâm tổ chức giám sát lại việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát . Trong quá trình giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đều thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trước các vấn đề đặt ra tại mỗi chuyên đề giám sát. Các Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành lấy ý kiến thành viên Đoàn giám sát bằng nhiều hình thức để kịp thời hoàn thiện kết quả giám sát, đảm bảo thời gian theo quy định.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã triển khai 05 đoàn giám sát quan trọng trong năm 2023

Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thực tế, tích cực tham gia hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; chủ động tiếp xúc cử tri, nắm bắt thông tin, tích cực theo dõi, giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ; định kỳ tổ chức tiếp công dân, xử lý, đôn đốc và theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; chủ động chất vấn tại các phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm, phản ánh được tình hình thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, vì sự phát triển chung của đất nước, hoạt động chất vấn đã góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chung của Quốc hội, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

Các vị đại biểu Quốc hội tích cực tham gia chất vấn tại các phiên họp

Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết của một số Đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội có thời điểm chưa được triển khai đầy đủ, toàn diện trên các mảng, lĩnh vực giám sát theo yêu cầu, kế hoạch. Việc thành lập Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội còn bất cập do nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội có số lượng đại biểu ở địa phương rất ít, một số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hoặc kiêm nhiệm ở trung ương ít có thời gian để tham gia hoạt động giám sát của Đoàn. Việc đại biểu Quốc hội tự mình tiến hành hoạt động giám sát chưa nhiều và hiệu quả chưa cao do còn thiếu cơ chế hỗ trợ; chưa có báo cáo về hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội trong Đoàn theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

 Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh toàn diện các hình thức giám sát

Trong năm 2024, trên cơ sở những kết quả đạt được, các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường tổ chức hoạt động giám sát thông qua các hoạt động: Giám sát chuyên đề việc thi hành pháp luật ở địa phương; Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và cử đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả, tránh hình thức, phù hợp với khả năng, nguồn lực, nhất là đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương. Đồng thời, khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai giám sát các chuyên đề bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp khảo sát thực tế Dự án Trung tâm thương mại thị trấn Lấp Vò

Đồng thời, căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội chủ động lập chương trình giám sát năm 2024 và gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội. Chủ động đổi mới hoạt động giám sát theo hướng tăng cường tính độc lập, hạn chế phụ thuộc vào Chương trình giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên. Tích cực giám sát văn bản và tổ chức giám sát vụ việc cụ thể theo hướng đăng ký cụ thể về nội dung và địa điểm giám sát để Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát tại địa phương; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội./.

Lê Anh