Phát huy vai trò của người dân trong giám sát môi trường

16/11/2016

Chiều 15/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; việc quản lý quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường                     Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc- Bà Rịa Vũng Tàu nêu vấn đề dù Luật bảo vệ môi trường và nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đều đề cao vai trò của người dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, song người dân lại rất khó tiếp cận được với các thông tin về môi trường và đặt ra câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhận định này và giải pháp giải quyết.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Cúc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Hiến pháp và Luật bảo vệ môi trường đã quy định rõ người dân có quyền được sống và được hưởng môi trường trong lành và đặc biệt khẳng định các thông tin về môi trường được cung cấp đến cho người dân và tổ chức, cộng đồng người dân đều có vai trò để tham gia giám sát về thực hiện chính sách pháp luật đối với môi trường cùng với nhà nước. Điều này pháp luật đã khẳng định và trong các văn bản thể chế hóa ra trên cơ sở các quy định của luật, các nghị định, các thông tư.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng bày tỏ đồng tình với đại biểu về thực tế người dân chưa dễ dàng tiếp cận thông tin. Như báo cáo hiện trạng môi trường là thông tin đầy đủ nhất để cung cấp cho người dân nhưng cũng mới chỉ có điều kiện để tổ chức 5 năm báo cáo một lần. Các thông tin khác như về vấn đề thanh tra môi trường, kết luận thanh tra... theo quy định Luật thanh tra các thông tin này, người dân, cộng đồng dân cư hoàn toàn được biết. Ngoài ra, khi thực hiện các dự án, các phương án giải quyết trong đánh giá tác động môi trường đều phải thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư nếu như án liên quan đến nhiều tỉnh, nhiều huyện.

Theo Bộ trưởng vấn đề ở đây là cách thức thực hiện, đưa những thông tin này thực sự để người dân có thể quan tâm và có thể trực tiếp tham gia. Tuy nhiên, cách làm hiện nay còn mang tính hình thức, chưa thực chất cho nên người dân chưa nhận định đầy đủ được các thông tin. Khi người dân chưa biết thì người dân chưa thể bàn và cũng chưa thể đóng góp được.

Khẳng định để người dân tham gia được vào quá trình giám sát môi trường điều đầu tiên là phải để người dân nắm được thông tin, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết bên cạnh những văn bản quy định về trách nhiệm và vai trò của người dân, cần phải quy định người dân có thể tham gia và chủ thể đại diện của người dân là ai. Các cơ quan, bộ, ngành, ở địa phương các tổ chức Mặt trận Tổ quốc cũng cần phải có cơ chế đại diện cho người dân hoặc tổ chức chính trị cụ thể sẽ đại diện cho người dân để đóng vai trò thay mặt cho người dân, đại diện cho người dân trong vấn đề giám sát tham gia vào việc thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước.

Bảo Yến