Tham dự buổi làm việc còn có: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành, đơn vị hữu quan và các thành viên Đoàn giám sát.
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã nghe trình bày báo cáo và thảo luận về về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016, những yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới và đề xuất những kiến nghị, giải pháp.
Thực trạng an toàn thực phẩm đang ở mức báo động
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại buổi làm việc, hậu quả của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Kết quả giám sát liên tục từ năm 2011 đến tháng 10/2016 cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là thách thức lớn trong công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an sinh và an toàn xã hội. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Trung bình mỗi năm có 167,8 vụ với 5.065,8 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm. Trong giai đoạn 2011 - 2016 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 40,2%), nguyên nhân do độc tố tự nhiên chiếm 27,9%, do hoá chất chiếm 4,3% và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.
Báo cáo cũng ghi nhận nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể vẫn còn rất cao.
Đánh giá các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, đại diện các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế nhận định: Tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, sử dụng phụ gia trong chế biến ngày càng phức tạp. Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, giết mổ chưa đáp ứng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Phần lớn thực phẩm tươi sống chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến rất phức tạp.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến, qua giám sát tại 13 địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy, hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch sản xuất, giết mổ, chế biến thực phẩm tuy nhiên quy mô mới ở bước đầu. Trong khi đó, quản lý vật tư sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập tồn tại như vấn đề phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, các chế phẩm sinh học sử dụng tràn lan. Quy mô sản xuất, chế biến hay giết mổ nhỏ lẻ, không tập trung, hệ thống các chợ đầu mối, chợ dân sinh không được phân định rõ ràng, vệ sinh không đảm bảo. Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở vùng nông thôn ngày càng nặng nên khó mà đảm bảo được an toàn trong sản xuất thực phẩm sạch. Những bất cấp, hạn chế trong thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sức khỏe người dân. Ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra ở nhiều địa phương nhưng lại không bị xử phạt một cách nghiêm khắc.
Xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm chưa đủ sức răn đe?
Theo báo cáo của các Bộ, trong giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 9/2016 cả nước có 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được thành lập và hoạt động đã thanh tra, kiểm tra tổng số 3.350.035 cơ sở sản xuất thực phẩm như bánh mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát, nước uống đóng chai, sản phẩm chế biến từ thịt, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, sữa các loại... Số cơ sở vi phạm được phát hiện là 678.755 cơ sở, chiếm 20,3% với tổng số tiền phạt trên 133, 905 tỷ đồng.
Các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện trong quá trính thanh tra, kiểm tra chủ yếu là vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, vi phạm về trang thiết bị, dụng cụ, vi phạm về con người, vi phạm về việc ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Theo số liệu của Bộ Công thương, tính từ năm 2011 đến tháng 9 năm 2016, ngành Công thương đã kiểm tra, xử lý 55.580 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; tổng số tiền thu được từ việc xử phạt hành chính là 143,445 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu là 90,084 tỷ đồng.
Cũng tính trong giai đoạn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với 44 tỉnh/thành phố tổ chức 14.787 cuộc kiểm tra về an toàn thực phẩm theo kế hoạch đối với 151.017 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó, xử phạt cảnh cáo 11.324 cơ sở; xử phạt tiền 6.136 cơ sở với tổng số tiền phạt là 18,968 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tổ chức 1.071 cuộc thanh, kiểm tra đột xuất đối với 7.672 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản; xử phạt cảnh cáo 1.146 cơ sở, xử phạt tiền 1050 cơ sở với tổng số tiền phạt là 4,907 tỷ đồng.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra câu hỏi trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương như thế nào khi mà qua thanh, kiểm tra tình hình vi phạm an toàn thực phẩm ở nhiều địa phương đã ở mức báo động, có nơi đến giới hạn đỏ. Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ số lượng kiểm tra rất nhiều với 150 ngàn đoàn trong 5 năm, bình quân một năm có 30 ngàn đoàn, thanh tra được trên 3 triệu cơ sở nhưng chỉ phát hiện 20% vi phạm. Bên cạnh đó, hiện nay xử phạt còn ở mức thấp mỗi cuộc xử phạt chỉ khoảng 200 ngàn đồng, không bằng xử phạt vi phạm giao thông. Điều này có thực sự tương xứng với mức độ vi phạm. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng có nhiều người chết và nhiều người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm lại không bị xử lý hình sự. Như vậy phải xem xét mức độ vi phạm đã được xử lý nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe.
Trách nhiệm của những người thực thi nhiệm vụ trong quản lý an toàn thực phẩm
Ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật ở nhiều địa phương còn hình thức, dàn trải, chưa đạt yêu cầu, chưa công khai và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm cũng như chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều những tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Nhiều địa phương chưa chuyển hướng mạnh sang thanh tra đột xuất như chỉ đạo của Bộ và Chính phủ nên hiệu quả thanh tra không cao.
Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ việc nhận định quy định xử phạt chưa nghiêm minh không hợp lý không phải ở việc không có chế tài bởi Bộ luật hình sự có quy định rõ ràng về vấn đề này. Vấn đề ở đây là người có thẩm quyền ở địa phương không xử lý dẫn đến trì trệ. Vì vậy ở trung ương cần quan tâm giải quyết làm sao để bộ máy địa phương vận hành đúng trách nhiệm của mình.
Đề cập đến trách nhiệm của địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ví dụ nơi sản xuất rượu giả, thực phẩm bẩn thì chắc chắn công an xã, trưởng thôn, trưởng ấp phải biết. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, gần đây thanh kiểm tra rất quyết liệt nhưng do xử phạt chưa nghiêm minh, còn nể nang tránh né, nên xử lý chưa được rốt ráo. Bộ trưởng đề xuất, sắp tới nên làm rõ vai trò của lực lượng công an viên bán chuyên trách bám sát khu vực, tổ trưởng khu vực dân phố vào trong giám sát và phát hiện vi phạm.
Trong phần kết luận của mình Phó Chỉ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu vai trò đứng đầu của bộ của địa phương là không rõ nhất là cấp huyện xã. Nhiều vi phạm mà chính quyền không nắm được liệu do vấn đề năng lực hay do trách nhiệm hay bao che... phải chăng hiệu lực hiệu quả quản lý có vấn đề. Như vậy sự phối hợp chỉ đạo kiểm tra đôn đốc còn có vấn đề, các Bộ, ngành, địa phương cần làm rõ vấn đề này trong thời gian tới.