Hội thảo Ủy ban Về các vấn đề xã hội với việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới

28/02/2017

Thực hiện chương trình công tác năm 2017, ngày 28/2, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Hội thảo “Ủy ban Về các vấn đề xã hội với việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới”. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Đại diện Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quan tâm về lĩnh vực bình đẳng giới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích cung cấp các thông tin về cơ sở pháp lý của hoạt động lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm, kinh nghiệm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đối với hoạt động này; vai trò của đại biểu Quốc hội đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới; nâng cao kỹ năng phân tích, lồng ghép giới và thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội với việc thẩm tra lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật

Các báo cáo tại hội thảo chỉ rõ, Luật bình đẳng giới được Quốc hội ban hành năm 2006 đã quy định về nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực; các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và trách nhiệm các chủ thể trong việc thực hiện bình đẳng giới. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thẩm tra lồng ghép giới đã được Luật quy định rõ tại điều 21, 22. Cụ thể hóa quy định nêu trên của Luật bình đẳng giới, Điều 47 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 và Nghị định số 48/2009/NĐ- CP quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đã cụ thể hóa một bước về trình tự, thủ tục thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đối với việc lồng ghép giới.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, nhiệm kỳ đầu tiên Ủy ban thực hiện thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong 17 dự án Luật, pháp lệnh và 03 Nghị quyết. Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban đã thẩm tra lồng ghép giới trong Hiến pháp và 40 dự án luật, pháp lệnh. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Ủy ban đã thẩm tra, gửi ý kiến của Ủy ban về lồng ghép bình đẳng giới trong 07 dự án luật.

Việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được Ủy ban Về các vấn đề xã hội chủ động thực hiện với số lượng tăng dần, hướng đến mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới, tuân thủ quy trình, nội dung lồng ghép giới trong xây dựng luật, pháp lệnh. Các Ban soạn thảo đã chủ động hơn đối với vấn đề lồng ghép giới trong các dự án luật, giảm dần tính hình thức, nhiều biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được đưa vào trong văn bản quy phạm pháp luật. Việc thẩm tra báo cáo hàng năm của Chính phủ về thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã thành nền nếp và từng bước mang lại hiệu quả thiết thực.

Nâng cao hiệu quả thẩm tra lồng ghép bình đẳng giới

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã làm tốt vấn đề thẩm tra lồng ghép giới trong việc xây dựng các văn bản pháp luật theo phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Quốc hội.

Tuy nhiên các đại biểu cũng đặt ra vấn đề, việc thẩm tra lồng ghép bình đẳng giới còn tồn tại một số hạn chế như: trong giai đoạn soạn thảo các cơ quan soạn thảo và cơ quan hữu quan chưa thật sự quan tâm đến các quy định về lồng ghép bình đẳng giới; việc lồng ghép giới còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao, thiếu các thông tin, số liệu cần thiết có phân tách giới, nên việc thẩm tra còn nhiều khó khăn.

Xuất phát từ những tồn tại trên, các đại biểu đưa ra giải pháp, để công tác thẩm tra lồng ghép bình đẳng giới đạt được hiệu quả cao, cần xác định rõ trách nhiệm và các biện pháp xử lý đối với việc không tuân thủ thực hiện quy định lồng ghép giới. Kiên quyết không thẩm định, thẩm tra và thông qua các dự án luật, pháp lệnh không có báo cáo đánh giá hoặc làm hình thức, sơ sài đối với vấn đề lồng ghép bình đẳng giới.

Một số đại biểu tham dự hội thảo cũng chỉ ra rằng, sự tham gia của các đại biểu Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong vấn đề lồng ghép bình đẳng giới; tuy nhiên mức độ quan tâm của các đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội về lồng ghép giới còn hạn chế; hơn nữa mỗi khóa quốc hội có 2/3 số đại biểu là đại biểu Quốc hội mới, trong đó cũng nhiều đại biểu chưa có kiến thức sâu về bình đẳng giới. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra lồng ghép bình đẳng giới, các đại biểu đề nghị cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức hội thảo về lồng ghép bình đẳng giới cho các đại biểu Quốc hội; đồng thời cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Về các vấn đề xã hội với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, với Bộ lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam… để sự phối hợp giữa các cơ quan trên có hiệu quả hơn.

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự án luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đề cập đến vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong Dự án luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Theo Tờ trình ngày 10/10/2016 của Chính phủ, dự án luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 6 chương, 45 điều, quy định các nguyên tắc, nội dung, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguồn vốn, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu nhận định, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động chiếm một tỷ lệ không nhỏ, có những đóng góp đáng kể trong nền kinh tế (về bảo hiểm xã hội, thu nhập cho người lao động, nộp ngân sách, tạo việc làm…). Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ghi nhận và khuyến khích vai trò của phụ nữ thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành của Việt Nam mới có định nghĩa về doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có quy định cụ thể thế nào là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Các đại biểu chỉ ra rằng, trên thực tế, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thực sự phải đối mặt với những trở ngại đặc biệt, trong tiếp cận tài chính, thông tin thị trường, các cơ hội đào tạo nâng cao kỹ năng, kiến thức, các nguồn lực và cơ hội tham gia các mạng lưới. Thêm vào đó, những nữ doanh nhân tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc gia đình và công việc điều hành doanh nghiệp.

Đa số các đại biểu đều cho rằng, Dự thảo Luật hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể hiện rõ tính lồng ghép giới; chưa có những điều, khoản quy định cụ thể về bình đẳng giới, ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ, nữ điều hành hoặc sử dụng nhiều lao động nữ… Từ những phân tích trên, các đại biểu tham dự hội thảo kiến nghị Ban soạn thảo luật cần nắm rõ các văn bản quy định về bình đẳng giới, bảo đảm lồng ghép giới trong quá trình xây dựng dự thảo Luật để thấy được các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ cần có được sự hỗ trợ hiệu quả để vượt qua các rào cản do quy mô cũng như đặc thù giới tính; đồng thời  khẳng định việc đưa các nội dung về doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ cũng như việc cần có chương trình đặc thù dành cho khu vực kinh tế này là cần thiết, để huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của các doanh nhân nữ Việt Nam cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Hồ Hương

Các bài viết khác