Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng họp phiên toàn thể lần thứ 3

28/04/2017

Trong hai ngày 27 – 28/4, tại TP Vũng Tàu, Bà Rịa- Vũng Tàu, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình.

Cùng dự Phiên họp có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Đối ngoại; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu khai mạc phiên họp

Trong phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho biết, Phiên họp toàn thể lần thứ 3 được tổ chức nhằm chuẩn bị một số công việc của Ủy ban cho Kỳ họp QH thứ 3 tới.

Phiên họp nhằm mục đích thảo luận và thông qua Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), cho ý kiến vào dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) để trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới. Tại Phiên họp, Ủy ban cũng xem xét và thông qua các báo cáo của Ủy ban từ Kỳ họp thứ 2 đến Kỳ họp thứ 3, dự kiến đến hết năm 2017 và định hướng kế hoạch công tác năm 2018 đối với Báo cáo kết quả hoạt động; báo cáo kết quả công tác xây dựng luật; báo cáo kết quả hoạt động giám sát và báo cáo giám sát tổng hợp của Ủy ban tại TP Hồ Chí Minh.

Sau hoạt động chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ, TB - XH tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH vừa qua, tại Phiên họp lần này, Ủy ban tiếp tục xem xét báo cáo và nghe Bộ trưởng Bộ LĐ, TB - XH Đào Ngọc Dung báo cáo Kế hoạch triển khai giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam cũng như dự thảo Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Cho ý kiến về dự thảo, đa số thành viên Ủy ban đánh giá cao sự chuẩn bị  công phu, nhiều giải pháp nhằm khắc phục thực trạng, thúc đẩy đổi mới và phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, do mới nhận chuyển giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp vào cuối năm 2016 nên tiến độ xây dựng Đề án của Ban soạn thảo còn chậm so với chương trình đề ra.

Ngoài ra, Đề án chưa thể hiện rõ nét chiến lược đối với việc phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn trước mắt, trong trung hạn và tầm nhìn trong dài hạn. Do dự thảo Đề án chưa có cái nhìn tổng thể, bao quát toàn bộ hệ thống chính sách phát triển các trình độ đào tạo cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trước đây nên chưa có sự lý giải, phân tích sâu sắc về những nguyên nhân, thách thức hiện nay của cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng những thay đổi của thị trường lao động cũng như của tiến bộ khoa học và công nghệ. Nhiều giải pháp trong dự thảo Đề án còn mang tính vi mô, chưa trở thành những định hướng chiến lược để có thể giải quyết tận gốc những nhược điểm mang tính hệ thống và cố hữu của giáo dục nghề nghiệp; ba giải pháp trọng tâm mang tính đột phá, đổi mới như dự thảo Đề án trình bày chưa mang tính thuyết phục cao để có thể đổi mới căn bản, toàn diện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

Trong phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình lưu ý, Đề án đã đề cập định hướng nghề nghiệp và vấn đề phân luồng nhưng chưa có giải pháp đủ mạnh. Đây là vấn đề lớn của Chính phủ, chỉ Bộ LĐ, TB - XH thì không thể giải quyết mà cần có các giải pháp tổng thể, liên ngành; Đề án cần được xây dựng với tầm nhìn chiến lược, phân kỳ trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đầu tư có trọng tâm trong bối cảnh các nguồn lực bị giới hạn. Công tác dự báo nhu cầu lao động cũng hết sức quan trọng, với yếu tố đầu vào là hệ thống dữ liệu đầy đủ và tin cậy, do đó cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu tổng quát, tin cậy- đây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực từ quá trình xây dựng kế hoạch đến thực hiện và tổng kết, đánh giá kết quả Đề án.

Tin và ảnh: Trần Mạnh Đức

Các bài viết khác