Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý, các dự án Luật Thủy lợi, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, đại diện Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo luật.
Về dự án Luật Thủy lợi, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã có những chỉnh sửa phù hợp hơn về phạm vi điều chỉnh; Quy hoạch thủy lợi; Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; Trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi được đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; Về tài chính cho thủy lợi; Bảo vệ công trình thủy lợi; Thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; Trách nhiệm nhà nước về thủy lợi; Xã hội hóa trong hoạt động thủy lợi.
Phạm vi điều chỉnh của Luật đã được thể hiện lại tại điều 1 của Dự thảo Luật, đồng thời chỉnh sửa 3 khái niệm “thủy lợi”, “hoạt động thủy lợi’, “công trình thủy lợi” để làm rõ các hoạt động thủy lợi cần điều chỉnh trong Luật với các Luật đã ban hành.
Về quy hoạch thủy lợi, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nghiên cứu, rà soát và chỉnh sửa vấn đề này trong dự thảo luật theo hướng chỉ quy định những nội dung, yêu cầu chính trong công tác quy hoạch thủy lợi, còn các vấn đề khác về quy hoạch như thẩm quyền xây dựng, phê duyệt quy hoạch, trình tự thủ tục xin ý kiến tổ chức, cá nhân… sẽ thực hiện theo Luật Quy hoạch.
Về dự án Luật Đường sắt, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và đại diện Ủy ban Pháp luật chỉnh sửa các nội dung về chính sách phát triển đường sắt; Về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt; Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt; Về kinh doanh đường sắt; Về giá/phí trong kinh doanh đường sắt để phù hợp hơn với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành.
Về chính sách phát triển đường sắt, tiếp thu các ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung quy định tại Điều 5 về chính sách phát triển đường sắt, trong đó bổ sung quy định mới dành một tỷ lệ thích đáng ngân sách trung ương để đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp, khó huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư và để có thể đáp ứng được yêu cầu của chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt.
Về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt, dự thảo Luật bổ sung ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt (Điều 6) như mở rộng ưu đãi, hỗ trợ đối với 2 lĩnh vực là Kinh doanh vận tải đường sắt và công nghiệp đường sắt; miễn tiền sử dụng đất đối với một số hoạt động và lĩnh vực đường sắt. Miễn tiền sử dụng đất đối với đường sắt; mua sắm đầu máy phục vụ kinh doanh vận tải đường sắt được hưởng ưu đãi về tín dụng. Mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ, Dự thảo luật đã tiếp thu và chỉnh lý về giải thích từ ngữ trong luật; Về chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ; Về đối tượng, hình thức chuyển giao công nghệ; Về các danh mục công nghệ khuyến khích, hạn chế, cấm chuyển giao; Về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; Về đăng ký chuyển giao công nghệ; Về các biện pháp khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Về quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; Về vấn đề quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
Về chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ, Dự thảo Luật đã quy định rõ ưu tiên hoạt động chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch vào nước ta; khuyến khích liên kết giữa viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở sản xuất, hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước, thúc đẩy lan tỏa công nghệ từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước. Đối với chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, Dự thảo Luật có quy định ưu đãi về thuế và hỗ trợ thực hiện việc công bố, trình diễn, giới thiệu công nghệ và tham gia chợ, hội chợ công nghệ ở trong và nước ngoài.
Về các danh mục công nghệ khuyến khích, hạn chế, cấm chuyển giao, một số ý kiến của các đại biểu quốc hội đề nghị không nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam đặc biệt là máy móc, thiết bị cũ; quy định cụ thể và rõ ràng hơn tiêu chí của công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao để có chính sách quản lý phù hợp làm cơ sở cho việc kiểm soát công nghệ được chuyển giao; tạo điều kiện cho công nghệ tiên tiến, công nghệ mới được chuyển giao vào Việt Nam. Tiếp thu ý kiến này, trong Dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh sửa các quy định về công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao. Dự thảo Luật đã phân định rõ các luồng công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, trong lãnh thổ Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài.
Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý các dự án Luật, cho rằng các báo cáo đã có sự tiếp thu đầy đủ, chi tiết, toàn diện về các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa và rà soát lại các vấn đề về kỹ thuật soạn thảo và trình bày văn bản; rà soát lại một số quy định trong dự thảo Luật để tránh chồng chéo với các luật khác trong hệ thống pháp luật hiện nay.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ cùng với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện lại các Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.