Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công họp phiên toàn thể lần thứ 4

17/05/2017

Chiều 17/5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ban soạn thảo Luật hành chính công họp phiên toàn thể lần thứ 4. Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành cùng các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật hành chính công, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật hành chính, đại diện các bộ, ngành, cơ quan hữu quan.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh phát biểu khai mạc phiên họp

Làm rõ nội hàm của hành chính công trong dự thảo Luật

Phát biểu khai mạc phiên họp, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh cho biết, qua khảo sát thực tế tại các Bộ ngành và địa phương trong quá trình xây dựng luật càng thấy rõ sự cần thiết phải ban hành Luật hành chính công. Hiện nay, pháp luật còn thiếu quy định về nguyên tắc chung trong quản lý, điều hành nền hành chính quốc gia. Mỗi luật, mỗi cơ quan đều quy định những thủ tục hành chính khác nhau, thiếu tính thống nhất, đồng bộ gây khó cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình áp dụng. Vấn đề dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến hay xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đang được Chính phủ triển khai và có thể dễ dàng nhận thấy trên cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành và địa phương. Nhiều mô hình thực hiện dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, mô hình một cửa, một cửa liên thông, trung tâm hành chính được triển khai hiệu quả tại các địa phương. Tuy nhiên, hiện cũng chưa có văn bản luật nào quy định về nội dung này xác định rõ ràng, đầy đủ nội dung của dịch vụ công, phương thức thực hiện, các yếu tố bảo đảm, cơ chế kiểm tra giám sát. Vì vậy, luật hành chính công sẽ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, vận hành nền hành chính công; quy định nguyên tắc chung của hành chính công, thực hiện dịch vụ công, xã hội hóa dịch vụ công, kiểm soát hành chính công.

Đánh giá cao những nỗ lực của Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong việc hoàn thiện các báo cáo, tờ trình và dự thảo Luật, tại phiên họp, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến góp ý cụ thể về các điều khoản của dự thảo Luật, tập trung vào đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ, trong đó có định nghĩa hành chính công, dịch vụ hành chính công, hợp đồng hành chính công; quy định về mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành chính công... Các đại biểu cho rằng các nội dung về Chính phủ điện tử, hợp đồng hành chính và thủ tục hành chính là những điểm mới nổi bật của dự thảo Luật cần phải được tiếp tục nghiên cứu, rà soát, quy định cụ thể hơn. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội GS.TS Phan Trung Lý đặt vấn đề Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần xem xét, thống nhất quy định về khái niệm hành chính công sao cho phù hợp; phân định và làm rõ các mô hình cung cấp dịch vụ hành chính công như mô hình một cửa, một cửa liên thông, trung tâm hành chính công... sao cho đúng với bản chất và có tính bao quát; xem xét các quy định của dự thảo luật hướng đến giải quyết vấn đề liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính, thu gọn đầu mối trong thực hiện cải cách hành chính…

Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại phiên họp

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, dự thảo Luật cần làm rõ nội hàm của hành chính công, chủ thể của hành chính công để từ đó xác định được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật. Đại biểu nhấn mạnh, cần xác định được điểm mấu chốt cần giải quyết hiện nay của nền hành chính để có các nội dung điều chỉnh phù hợp. Theo đó, các quy định về thủ tục hành chính không chỉ đơn thuần theo nội dung của Nghị định 63 về kiểm soát thủ tục hành chính mà cần bao quát hơn. Trong quy định về dịch vụ công cần phân biệt rõ dịch vụ công và dịch vụ hành chính công, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong cung cấp, kiểm soát việc cung cấp dịch vụ công cho người dân. Luật cũng cần điều chỉnh về hợp đồng hành chính, mối quan hệ hành chính không chỉ trong nội bộ cơ quan mà giữa các cơ quan theo chiều dọc và chiều ngang, vấn đề chỉ đạo và quản lý các liên kết vùng, liên kết địa phương.

Cần thiết phải có quy định về Chính phủ điện tử

Khẳng định Chính phủ điện tử là phương thức để các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính của mình, quan hệ với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành cho rằng, cần thiết phải có quy định về Chính phủ điện tử trong dự thảo Luật hành chính công.

Cùng quan điểm, Cục trưởng Cục tin học hóa, Bộ Thông tin – Truyền thông, thành viên Ban soạn thảo Nguyễn Thành Phúc cho biết thêm, Chính phủ điện tử thực chất là triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Nhà nước đã được triển khai từ lâu và đã đạt được những kết quả thiết thực. Nhấn mạnh, triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp,  vì vậy để bảo đảm tính khả thi, toàn diện, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về kiến trúc Chính phủ điện tử kết nối chia sẻ thông tin từ trung ương đến địa phương; xác đinh những thông tin hành chính cơ bản cần được chia sẻ; quản lý và sử dụng hiệu quả thông tin hành chính tránh thu thập thông tin khi làm thủ tục hành chính quá nhiều lần.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng và đánh giá cao quyết tâm chính trị của các đại biểu trong xây dựng dự án Luật hành chính công nhằm giải quyết những vấn đề bất cập của nền hành chính nước nhà. Qua xem xét tài liệu và tổng hợp ý kiến phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật phải bao quát được các chủ thể có liên quan đến thực hiện hành chính công. Đây là phạm vi rất rộng, vì vậy Ban soạn thảo cần chọn những nội dung trong mối tương quan chung, điều chỉnh những vấn đề gấp rút cần giải quyết kịp thời mà nhân dân bức xúc. Theo đó, các nội dung cụ thể như dịch vụ công cần tập trung điều chỉnh quan hệ giữa chủ thể cung cấp và chủ thể được cung cấp dịch vụ; về nội dung hợp đồng lao động thực hiện hành chính công phải lượng hóa được các quy định của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để thể hiện trong Luật, hướng đến thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nâng cao đạo đức công vụ. Vấn đề về Chính phủ điện tử cũng cần thiết phải được quy định nhưng cần xem xét quy định sao cho đồng bộ, có Chính phủ điện tử phải có công dân điện tử.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, lựa chọn những vấn đề bức xúc hiện này đề giải quyết, đồng thời lường trước những vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Luật trên thực tế.

Các đại biểu tham dự phiên họp chụp ảnh lưu niệm

Dự kiến kế hoạch hoạt động tháng 6/2017, Thường trực Ban soạn thảo sẽ chủ động phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội về những nội dung liên quan trong xây dựng dự án Luật hành chính công nhân Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV; đôn đốc các cơ quan, bộ, ngành, địa phương gửi Báo cáo và phiếu khảo sát đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hành chính công từ năm 2011 đến nay; chuẩn bị kế hoạch khảo sát lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đợt 2 từ ngày 22 – 30/6. Tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến các đối tượng áp dụng luật trong cán bộ, công chức và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương đối với dự án Luật Hành chính công...

Tin và ảnh: Bảo Yến

Các bài viết khác