ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHẤT VẤN VỀ ĐẦU TƯ MỘT SỐ TUYẾN ĐƯỜNG GIAO THÔNG

11/11/2021

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 11/11, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về đầu tư một số tuyến đường giao thông trong thời gian tới.

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết, tuyến cao tốc kết nối từ Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ hiện đã được Chính phủ quy hoạch vào mạng lưới giao thông đường bộ 2021-2030, đại biểu cho rằng đây là điều kiện quan trọng để Hà Giang cùng các địa phương trong khu vực phát triển. Đại biểu đặt câu hỏi về thời gian đầu tư của tuyến đường này, liệu có được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 hay không?

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết theo quy hoạch tuyến này sẽ được triển khai sau năm 2025. Tuy nhiên, nếu được triển khai sớm hơn, kết hợp với các tuyến cao tốc khác, sẽ hình thành mạng lưới đường cao tốc, kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với thủ đô Hà Nội, đồng bằng Bắc Bộ...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nó kết nối toàn bộ các trục dọc, hướng tâm về Hà Nội để thông ra các cửa khẩu của chúng ta như Vân Đồn, Móng Cái, Lạng Sơn lên cửa khẩu Lạng Sơn, tuyến Lào Cai lên cửa khẩu Lào Cai. Nếu tuyến này của Hà Giang lên đến cửa khẩu Thanh Thủy, rồi sắp tới có tuyến Hòa Bình - Lai Châu để chạy dọc theo tất cả các tỉnh Tây Bắc. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là 5 tuyến giao thông hết sức quan trọng để chúng ta mở ra không gian phát triển mới, tạo điều kiện cho vùng miền núi phía Bắc và gắn kết với thị trường của Trung Quốc để thúc đẩy nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa thì sẽ phát huy được toàn bộ hiệu quả của các đường giao thông chúng ta đã đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới ở khu vực miền núi phía Bắc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn ủng hộ chủ trương này và sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tuyến đường từ Tây Nguyên tới Đông Nam Bộ, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Kiều- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, trong báo cáo của Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp chưa có giải pháp cụ thể để triển khai đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực Đông Nam Bộ. Do vậy, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ những giải pháp của Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của đại biểu

Trả lời băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ chia sẻ với ý kiến của đại biểu đồng thời nhấn mạnh khu vực Tây Nguyên nếu không được kết nối với khu vực Đông Nam Bộ hoặc Duyên hải miền Trung thì rất khó có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp còn phục thuộc quy hoạch vào mạng lưới giao thông mới được trình Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ có ý kiến thêm về việc này.

Đánh giá cao tầm quan trọng của khu kinh tế cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi, biên giới những năm qua, tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, việc đầu tư phát triển hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của khu vực biên giới, gắn với việc đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chưa tương thích với quy mô đầu tư phát triển của nước láng giềng.

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chất vấn Bộ trưởng

Đại biểu nhấn mạnh, qua đại dịch COVID-19 càng bộc lộ rõ hơn hạn chế đó là khi lượng xe, lượng hàng hóa lớn tập trung tại một số cửa khẩu đã gây ách tắc kéo dài thời gian thông quan, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhất là nông sản và gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường tại địa phương. Câu hỏi đại biểu đặt ra là giải pháp thời gian tới để giải quyết vấn đề đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cả nước hiện có 28 khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có ba cửa khẩu quan trọng nhất đó là Móng Cái của Quảng Ninh, Lào Cai và Tân Thanh của Lạng Sơn. Ba cửa khẩu này trước đây đã có chương trình mục tiêu để hỗ trợ các công trình hạ tầng của khu kinh tế cửa khẩu và ba cửa khẩu này cũng là ba cửa khẩu được ưu tiên nhiều nhất trong tất cả các chương trình trong suốt 15 năm liền. Đối với cả ba cửa khẩu quan trọng bậc nhất này, mặc dù có thể chưa đáp ứng đủ nhưng đã được đầu tư nhiều nhất trong điều kiện cho phép.

Riêng đối với Lạng Sơn, theo Bộ trưởng, hiện nay có một vấn đề là phải hoàn thành sớm tuyến đường Bắc Giang-Lạng Sơn. Nếu có thể hoàn thành tuyến đường này thì trong thời gian tới sẽ thông toàn tuyến từ Hà Nội lên Bắc Giang, Lạng Sơn.

Ngoài ra, có 5 tuyến cửa khẩu hết sức quan trọng là Móng Cái, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Hòa Bình lên Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là 5 tuyến đường trục dọc hết sức quan trọng, không những về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, khai thác mở rộng không gian phát triển cho các tỉnh mà còn thúc đẩy xuất khẩu cho cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất ủng hộ để cùng thống nhất với Bộ Giao thông - Vận tải trình với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, có các nguồn lực đầu tư cần thiết để sớm đầu tư các tuyến này. Như vậy, các tỉnh này sẽ phát huy được hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu của mình, đồng thời thúc đẩy cho kinh tế và phát triển xuất nhập khẩu của cả nước./.

Thu Phương – Nghĩa Đức