Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, thời gian vừa qua, các vụ án hành chính có xu hướng tăng về số lượng và tính chất phức tạp, đối tượng khởi kiện ngày càng đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, chủ yếu là khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai (thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký cập nhật biến động về nhà đất, tranh chấp quyền sử dụng đất, quyết định bồi thường về đất; quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nâng cấp mở rộng để làm đường...); lĩnh vực xây dựng (cấp giấy phép xây dựng, buộc tháo dỡ công trình xây dựng...); lĩnh vực thuế, hải quan (thu thuế, truy thu thuế, thu tiền sử dụng đất, áp giả hàng hóa nhập khẩu)... Bên cạnh đó, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản (khai thác cát trái phép), lấn chiếm đất có xu hướng phát sinh.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ án hành chính gia tăng là do nhiều địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư, khu công nghiệp, triển khai các dự án trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội,... nên đã có tác động lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, dẫn đến các khiếu kiện hành chính xảy ra nhiều.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Theo đó, tiến độ giải quyết một số vụ án hành chính còn chậm; tỷ lệ giải quyết chưa cao; vẫn còn một số bản án bị sửa, hủy do nguyên nhân chủ quan của Tòa án. Việc tống đạt các văn bản tố tụng cho người bị kiện là Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân gặp khó khăn do người bị kiện rất ít khi trực tiếp tham gia tố tụng đồng thời cũng không ủy quyền cho cấp phó trực tiếp tham gia tố tụng để nhận các văn bản tố tụng của Tòa án theo quy định.
Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Tòa án nhân dân tối cao về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Việc tham gia tố tụng của người đại diện theo pháp luật của người bị kiện đôi khi chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Người bị kiện trong các vụ án hành chính phải ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng (theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính). Tuy nhiên, cấp phó được ủy quyền ít tham gia, thường xuyên có văn bản xin được xét xử vắng mặt vì lý do công việc, thậm chí có vụ án không tham gia tất cả các phiên họp, phiên đối thoại, phiên tòa nên Tòa án phải hoãn phiên họp, phiên tòa nhiều lần, mất nhiều thời gian. Việc vắng mặt của người bị kiện dẫn đến một số trường hợp người khởi kiện bức xúc, phản ứng gay gắt gây ảnh hưởng đến tiến độ xét xử vụ án. Đây là vấn đề khá phổ biến trong quá trình giải quyết án hành chính nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Chỉ ra những nguyên nhân tồn tại, hạn chế, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, các vụ án hành chính chủ yếu liên quan đến đất đai và là những vụ án khó, phức tạp nên thời gian giải quyết thường kéo dài. Việc giải quyết án hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nhất là các quy phạm pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ đòi hỏi phải có nhiều thời gian tập hợp, tìm hiểu, trao đổi, nghiên cứu nên gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn do một số địa phương tiến hành sáp nhập, chia tách nhiều lần dẫn đến việc lưu trữ, bảo quản giấy tờ không đầy đủ hoặc bị thất lạc. Nhiều vụ án các đương sự không hợp tác, gây khó khăn cho Tòa án trong quá trình đo vẽ hiện trạng, thẩm định tài sản... Một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật nên việc cung cấp tài liệu, chứng cứ còn chậm, không đầy đủ, thậm chí có trường hợp không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án.
Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cách ly xã hội đã ảnh hưởng đến việc Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ, triệu tập đương sự đến làm việc tại Tòa án cũng như việc tổ chức các phiên họp. phiên đối thoại, phiên tòa dẫn đến thời hạn giải quyết vụ án bị kéo dài./.