Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Báo cáo Quốc hội về công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án công trình giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông vận tải luôn xác định công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt, quan trọng hàng đầu trong quá trình thực hiện dự án.
Theo các quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật về đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải thực hiện vai trò người quyết định đầu tư và quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng, ban hành 09 Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng, tiến độ thi công, siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác quản lý và phòng, chống tham nhũng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng; 03 Quyết định phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị triển khai thực hiện dự án và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về công tác quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện dự án.
Để tăng cường trách nhiệm, giảm bớt thủ tục, tăng tính chủ động trong việc triển khai thực hiện các dự án, Bộ Giao thông vận tải đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, đồng thời phân định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng để công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện tốt hơn, bảo đảm tiến độ yêu cầu, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế như một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, chưa phối hợp tốt với địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu. Một số nội dung trong hồ sơ dự án, thiết kế xây dựng còn khiếm khuyết dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung gây kéo dài thời gian; một số dự án chậm tiến độ nhưng chưa được khắc phục dứt điểm. Công tác sửa chữa khắc phục các khiếm khuyết, các hư hỏng cục bộ trong giai đoạn bảo hành chưa được thực hiện kịp thời...
Để nâng cao chất lượng và siết chặt kỷ cương, trách nhiệm, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng và phòng ngừa vi phạm. Theo đó, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đồng thời làm việc với các địa phương để giải quyết các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu…Cùng với đó chỉ đạo các cơ quan tham mưu, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác chuẩn bị và triển khai Dự án để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các tồn tại, vi phạm về chất lượng.
Bộ Giao thông vận tải cũng ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm. Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các chủ thể để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng ngay từ giai đoạn đầu triển khai thực hiện đối với các dự án trọng điểm ngành; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ đối với người đứng đầu; kiểm tra trách nhiệm thực hiện các kết luận, kiến nghị, yêu cầu qua thanh tra, kiểm tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có vi phạm về chất lượng...
Cùng với đó rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao năng lực điều hành, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng, quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa các bộ phận, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư và nhiệm vụ được Bộ Giao thông vận tải phân cấp, ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, công tác bảo đảm chất lượng được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến giai đoạn thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng. Trong đó, chủ đầu tư/ban quản lý dự án có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, toàn diện mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân (tư vấn khảo sát, thiết kế, tư vấn thẩm tra, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, tư vấn kiểm định,...) tham gia thực hiện dự án trong từng giai đoạn.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã giao các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai các nội dung nêu trên, chủ động giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền, kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Định kỳ hàng năm, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm để chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phòng ngừa ngăn chặn và xử lý kịp thời các tồn tại, vi phạm./.