QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ, TRÁNH BỎ SÓT CÁC HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH

08/06/2022

Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào trong Luật các loại hành vi bạo lực gia đình, tránh bỏ sót hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh bạo lực gia đình diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã sửa đổi phạm vi điều chỉnh để phù hợp với việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát các nội dung tại Điều 1 và các quy định khác của dự thảo Luật để bảo đảm phạm vi điều chỉnh quy định khái quát các nội dung được cụ thể hóa trong các điều luật.

Về đối tượng áp dụng, Dự án Luật bổ sung đối tượng áp dụng là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Ủy ban Xã hội cho rằng, việc bổ sung đối tượng áp dụng như dự án Luật là bảo đảm phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người. Tuy nhiên, trong Báo cáo đánh giá tác động chưa có đánh giá tác động đối với đối tượng này. Theo quy định của pháp luật, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam nếu có hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử lý hình sự hoặc hành chính. Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo Luật, có một số hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức bị xử lý hành chính hoặc hình sự thì được phép áp dụng một số biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình, nhưng sẽ khó khăn nhất định khi áp dụng các biện pháp này đối với người nước ngoài do khác biệt về văn hóa, lối sống, rào cản về ngôn ngữ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đa số ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo cung cấp thêm thông tin, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn làm căn cứ để bổ sung đối tượng này; đồng thời cụ thể hóa các quy định về phòng, chống bạo lực gia đình để có thể áp dụng cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chưa bổ sung đối tượng người nước ngoài cư trú ở Việt Nam trong sửa đổi Luật lần này.

Toàn cảnh phiên họp

Về các hành vi bạo lực gia đình, Ủy ban Xã hội cho rằng, việc tiếp tục quy định về các hành vi bạo lực gia đình theo hướng cụ thể sẽ góp phần bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bao quát, không bỏ sót hành vi vi phạm, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào trong Luật các loại hành vi bạo lực gia đình, tránh bỏ sót hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Bên cạnh đó, cần cân nhắc việc bổ sung đối tượng “người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” tại khoản 2, do “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” có nội hàm rộng, có thể phát sinh giữa những người không có quan hệ gia đình. Nên chăng chỉ áp dụng đối với đối tượng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng mang tính chất gia đình hoặc như gia đình để bảo đảm tính khả thi.

Về các điều kiện bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, Ủy ban Xã hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình như về thông tin, truyền thông, giáo dục; tư vấn, hòa giải; các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình; quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình… Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn về tính khả thi của các biện pháp này, đòi hỏi Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng thời đánh giá tác động việc sửa đổi các quy định này, cụ thể như sau:

Đối với các biện pháp tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại các Điều 17, 18 và 19 của Dự thảo Luật, việc sửa đổi, bổ sung quy định về tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình hướng tới mục tiêu tư vấn diện rộng, chuyên nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình mà còn tham gia điều trị, hỗ trợ điều trị các sang chấn tâm lý do bạo lực gia đình gây ra. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng, một số nội dung tư vấn quy định tại khoản 1 Điều 17 còn chưa phù hợp; yêu cầu người thực hiện tư vấn “phải được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình” như quy định tại khoản 2 Điều 19 khó khả thi trên thực tế, đặc biệt đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có nhiều người sinh hoạt tôn giáo… Mặt khác làm giảm đi tính linh hoạt của công tác tư vấn trong lĩnh vực rất đặc thù. Trên thực tế, hoạt động này có thể huy động được nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, cộng đồng tham gia.

Về việc bổ sung biện pháp giáo dục chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình và biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình, Ủy ban Xã hội cho rằng, các biện pháp này được xây dựng và bổ sung dựa trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và có thể coi là các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình bền vững. Tuy nhiên, do các biện pháp này khá mới đối với lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, chưa được triển khai thực hiện trên thực tiễn, chưa có đánh giá kết quả tổ chức thực hiện, do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, quy định theo hướng có lộ trình để Chính phủ có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết (nguồn lực, hệ thống cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp…) để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện; Đánh giá tính khả thi, điều kiện nhân lực, vật lực để các Cơ sở giam giữ người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm thực hiện việc giáo dục chuyển đổi hành vi cho đối tượng bị giam giữ tại cơ sở theo quy định tại khoản 5 Điều 25.

Ngoài ra, về biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình, Ủy ban Xã hội nhận thấy biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 30 là một trong các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 32 lại quy định chỉ khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình Công an cấp xã mới có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc gia đình. Ủy ban Xã hội thấy rằng, để mang tính răn đe cao, nên quy định theo hướng khi nhận được tin báo tố giác về bạo lực gia đình thì Công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình phải đến trụ sở Công an cấp xã để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.    

Hồ Hương