GHI NHẬN KỊP THỜI, TÔN VINH XỨNG ĐÁNG NHỮNG CỐNG HIẾN CỦA NGƯỜI HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT

17/06/2022

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc mở rộng đối tượng thể hiện sự quan tâm và ghi nhận những đóng góp, động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với người hoạt động trong tất cả lĩnh vực nghệ thuật.

Thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất với phương án mở rộng diện xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú đối với các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, không chỉ hạn chế trong lĩnh vực biểu diễn. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc mở rộng đối tượng thể hiện sự quan tâm và ghi nhận những đóng góp, động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với người hoạt động trong tất cả lĩnh vực nghệ thuật.

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng việc bổ sung các đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú là rất hợp lý. Theo đại biểu, văn học nghệ thuật nước ta hiện nay có 9 chuyên ngành, nhưng trong luật hiện hành chỉ đề cập đến văn nghệ sĩ của 6 chuyên ngành, còn lại 3 chuyên ngành là nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả của lĩnh vực sân khấu chưa được quy định. Đại biểu cho rằng, tất cả những văn nghệ sĩ dù hoạt động ở chuyên ngành văn học nghệ thuật khác nhau, có thể có tên gọi khác nhau như họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhiếp ảnh, kiến trúc sư, diễn viên, soạn giả, nhà văn. v.v. nhưng đều có chung tên gọi là văn nghệ sĩ. Đây chính là những người có năng khiếu, có tài năng, có cảm thụ đặc biệt để sáng tác, sáng tạo ra những giá trị văn học nghệ thuật. Vì thế, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã khẳng định văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Tài năng văn học nghệ thuật là vốn quý của dân tộc, chăm lo quý trọng và phát huy các tài năng văn học nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tham gia thảo luận

Đại biểu Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh, trong chuyên ngành văn học, mỗi tác phẩm văn học, nhất là những tác phẩm văn học đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò vô cùng quan trọng vào việc giáo dục nhân cách, giáo dục lòng yêu nước, yêu con người, giáo dục chân thiện mỹ cho nhân dân. Do đó, nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nên họ cũng cần được xem là đối tượng để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú hoặc là Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.

Trong chuyên ngành sân khấu, luật hiện hành chỉ đề cập hai đối tượng được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đó là người chỉ đạo nghệ thuật và diễn viên. Còn các soạn giả, tác giả sân khấu là người sáng tạo đầu tiên trong ê kíp sáng tạo cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh để biểu diễn trên sân khấu thì chưa được xét. Trong khi các thành phần sáng tạo khác của vở diễn nhưng không trực tiếp biểu diễn trước công chúng như đạo diễn dàn dựng, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật đều được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Đại biểu cho rằng đây là một thiệt thòi rất lớn cho đội ngũ soạn giả.

Bày tỏ tán thành việc bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả sân khấu được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú, đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, phương án này được đông đảo văn nghệ sĩ thực sự trông mong, tạo động lực lớn cho sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sĩ, phù hợp với tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa được tổ chức rất thành công và đầy ý nghĩa vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đóng góp ý kiến

Đại biểu Nguyễn Huy Thái cho rằng, việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho những người hoạt động văn học nghệ thuật có đủ điều kiện là hình thức thưởng xứng đáng, có tác dụng to lớn, tạo động lực hoạt động văn hóa nghệ thuật và cống hiến của giới văn nghệ sĩ để sáng tạo những sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng cao, bồi bổ tâm hồn và tình yêu quê hương, đất nước cho nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Từ sản phẩm nguồn ấy của nghệ sĩ sáng tác, các nghệ sĩ biểu diễn và nghệ sĩ trình bày sẽ tiếp tục nâng giá trị thông qua những loại hình, phương pháp và phong cách thể hiện mang dấu ấn cá nhân và tài năng nghệ thuật thiên phú của mình.

Cùng ủng hộ quan điểm mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú, đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh việc  bổ sung thêm các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả trong lĩnh vực sân khấu là cần thiết, hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhấn mạnh những danh hiệu này rất cao quý, đại biểu cho rằng việc thêm một đối tượng, một lĩnh vào xét tặng danh hiệu này sẽ tạo thêm những động lực cho những người nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chia sẻ, kiến trúc là một lĩnh vực hoạt động cung cấp các giải pháp về kiến trúc cho một công trình hay là thiết kế quy hoạch của vùng, của khu dân cư, khu công nghiệp và cảnh quan đô thị. Một công trình kiến trúc đẹp cũng chính là sản phẩm của một hoạt động sáng tạo, nên xét ở lĩnh vực nghệ thuật thì hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, theo đại biểu, để gắn danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân cho lĩnh vực kiến trúc cần phải làm rõ những đối tượng nào hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc được gọi là nghệ sĩ và có những quy định tường minh hơn cho danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân đối với lĩnh vực kiến trúc.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đồng tình với phương án bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và bổ sung các soạn giả trong lĩnh vực sân khấu được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Đại biểu cho biết, trong dự thảo lần đầu chỉ nêu 6 lĩnh vực, còn 3 lĩnh vực là nhiếp ảnh, kiến trúc và văn học chưa được đề cập để xét tặng danh hiệu. Việc tiếp thu bổ sung tại dự thảo luật lần này đã tránh được sự so bì, bất bình, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của giới văn nghệ sĩ, kịp thời động viên, khích lệ lực lượng này sáng tác, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển.

Hồ Hương