Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về giới hạn quyền tác giả và giới hạn quyền liên quan, có ý kiến cho rằng các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố nhưng “không phải xin phép” tại khoản 1 Điều 26 là không chặt chẽ, đề nghị bỏ quy định tại điểm b khoản 1 do không phù hợp quy định của điều ước quốc tế.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị giữ nội dung này như dự thảo Luật vì các lý do: Quy định các trường hợp không phải xin phép nhưng vẫn phải trả tiền bản quyền là để hài hòa lợi ích của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan với bên khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ. Trong trường hợp này, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng hoặc trong hoạt động kinh doanh, thương mại thì không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Quy định giới hạn quyền này vẫn bảo đảm quyền lợi cho chủ sở hữu quyền, khuyến khích các tác giả tiếp tục đầu tư sáng tạo; có khoản thu nhập hợp lý để tái đầu tư vào việc khai thác, truyền bá tác phẩm; đồng thời không gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc đưa tác phẩm tới công chúng; bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định khác tại Luật Sở hữu trí tuệ (như tại Điều 7 và Điều 8...), góp phần đảm bảo quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa của công chúng quy định tại Điều 41 của Hiến pháp.
Toàn cảnh phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, nội dung này đang được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Công ước Berne (khoản 2 Điều 11bis, khoản 1 Điều 13), Công ước quốc tế về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng (Công ước Rome, Điều 12), Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS), Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA; (4) Dự thảo Luật đã có quy định giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể trường hợp giới hạn quyền này, trong đó quy định trường hợp không đạt được thỏa thuận thì phải chấm dứt sử dụng tác phẩm trong thời hạn nhất định và trả tiền bản quyền kể từ khi sử dụng; đồng thời phải xác định rõ các hoạt động kinh doanh, thương mại được áp dụng giới hạn quyền này.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định của Luật Giá để có cơ sở triển khai nội dung tại Điều 26 và Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, trong đó quy định trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận về tiền bản quyền và phương thức thanh toán thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định tại Điều 26 và Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành nhằm thực hiện chính sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật Bản quyền Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc… cũng có quy định về nội dung này. Tuy nhiên, do trường hợp này không thuộc trường hợp Nhà nước định giá theo quy định tại Điều 19 và Điều 22 của Luật Giá, dẫn đến Chính phủ chưa quy định được biểu mức tiền bản quyền áp dụng khi các bên không thỏa thuận được. Điều này đã khiến cho việc khai thác, sử dụng để phổ biến tác phẩm đến công chúng bị đình trệ, ách tắc hoặc các bên trốn tránh trách nhiệm, Tòa án cũng không có cơ sở để đưa ra phán quyết khi các bên tranh chấp và khởi kiện tại tòa án. Do đó, để giải quyết các vướng mắc nêu trên, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị bổ sung vào khoản 4 Điều 2 của dự thảo Luật quy định sửa đổi, bổ sung Điều 19 và Điều 22 của Luật Giá.
Về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý đoạn thứ 3 khoản 1 Điều 25a cho ngắn gọn hơn và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan.
Ngoài ra, về chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả là chủ sở hữu về quyền:“Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.” Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quyền tài sản do người thừa kế nắm giữ, dự thảo luật đã bổ sung vào khoản 2 Điều 198 quy định như sau: “Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này.”