Thực hiện Kỳ họp thứ 3, Quốc hội vừa cho ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến là cần quy định rõ các hành vi bạo lực gia đình và có cơ chế xử lý phù hợp với từng hành vi bạo lực.
Liên quan các quy định về hành vi bạo lực gia đình, đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho rằng, tại điểm q, Khoản 1, Điều 4 có quy định hành vi “có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ” là một trong những hành vi bạo lực gia đình.
Đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang.
Đại biểu Lý Anh Thư phân tích, trong thực tiễn hiện nay, chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình. Do đó, khó có căn cứ để xác định việc không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, đề nghị nếu quy định về điều khoản này thì cần có một cơ chế, các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tiễn.
Cũng liên quan đến các quy định về hành vi bạo lực gia đình, Điều 4, khoản 1, điểm k quy định hành vi phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó, trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ là hành vi bạo lực gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại nội dung này cho sát với thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà phân tích, trong thời đại công nghệ 4.0 với sự đa dạng các nền tảng xã hội cùng nhu cầu chia sẻ thông tin, hình ảnh trên các nền tảng đó, sẽ có nhiều trường hợp người thân trong gia đình chia sẻ những hình ảnh tình cảm vui tươi, trong sáng mà không hỏi ý kiến tất cả các thành viên trong gia đình. Cũng trong quy định này, trường hợp là trẻ em phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tuy nhiên, tại Điều 6, Khoản 11 của Luật Trẻ em 2016 lại quy định về các hành vi nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị cần thống nhất quy định liên quan đến trẻ em ở cả 2 luật.
Cho rằng hiện nay những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau cũng là bạo lực, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng, bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình. Bởi vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng tại Điều 4 của dự thảo Luật.
Cần có cơ chế xử lý phù hợp với từng hành vi bạo lực
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), tại phiên họp, đại biểu Cao Mạnh Linh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, Điều 4 dự thảo Luật quy định các hành vi bạo lực có thể chia thành 4 nhóm gồm: hành vi bạo lực về thể chất, hành vi bạo lực về tinh thần, hành vi bạo lực về kinh tế, hành vi bạo lực tình dục.
Đại biểu Cao Mạnh Linh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Đại biểu Cao Mạnh Linh cho rằng, các nhóm hành vi bạo lực này có tính chất, phương thức thực hiện, mức độ nhận diện hậu quả xảy ra rất khác nhau, nên về nguyên tắc, để phòng, chống có hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần phải có cách thức xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng nhóm hành vi cũng như mức độ nghiêm trọng của từng hành vi. Mặt khác, đa số các biện pháp xử lý cơ bản chỉ phù hợp với việc phòng, chống các hành vi bạo lực về thể chất mà chưa thật phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực về kinh tế, tinh thần như biện pháp cấm tiếp xúc, bố trí nơi tạm lánh, chăm sóc người bị bạo lực. Do đó, đại biểu Cao Mạnh Linh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện thêm quy định về các hành vi bạo lực về cơ chế, cách thức xử lý và các biện pháp xử lý cụ thể cho phù hợp với từng loại hành vi mức độ của hành vi.
Chung nhận định, đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần thiết phải bảo đảm sự tương xứng giữa hành vi bạo lực gia đình với các biện pháp xử lý được quy định trong luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm tính bao quát của các hành vi bạo lực gia đình theo các dạng bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế, đồng thời bổ sung thêm các hành vi như cưỡng ép hoặc ngăn cản việc sử dụng các biện pháp tránh thai trái ý muốn, hay cưỡng ép sinh đẻ nhiều, mang thai hộ trái luật, hoặc các hành vi gián tiếp như bao che, dung túng, cổ vũ hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra, đại biểu Hà Thị Nga cũng đồng tình với ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng không nên bỏ sót các trường hợp bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với con riêng của vợ, chồng hoặc những người đang chung sống với nhau như vợ chồng.
Đại biểu Hà Thị Nga dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, luật mẫu về bạo lực gia đình của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc khuyến khích các quốc gia xác định mối quan hệ nảy sinh bạo lực gia đình càng rộng càng tốt. Vì vậy, đại biểu đề nghị tại Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật bổ sung thành viên gia đình của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng cũng là đối tượng áp dụng quy định nếu có hành vi bạo lực gia đình.
Về tư vấn hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn Đại biểu Quốc hội Hậu Giang cho biết, việc tổ chức hình thức tư vấn hòa giải là giải pháp để phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị có rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành khác để phát huy nguồn lực hiện có, cũng như chống chồng chéo giữa các quy định.
Về quy định góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, đại biểu cho rằng việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư được tổ chức khi việc thực hiện hòa giải không thành. Nếu không phân định rõ loại hành vi bạo lực gia đình nào hòa giải không thành, sau đó tái diễn thì đưa ra cộng đồng góp ý, phê bình và góp ý, phê bình thuộc phạm vi điều chỉnh của thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng hay điều chỉnh có áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 và Nghị định 120.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận tại Kỳ họp.
Phát biểu kết luận về các nội dung trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là dự án luật được dư luận xã hội cũng như đại biểu Quốc hội rất quan tâm, nên Quốc hội có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc trên tinh thần xây dựng. Các ý kiến góp ý cụ thể, xác đáng đều xuất phát từ thực tiễn. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan trình, thẩm tra dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.