SỬA ĐỔI LUẬT DI SẢN VĂN HÓA: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ VỮNG CHẮC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC

06/08/2022

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hiện nay Luật cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập...

Phố cổ Hội An, di sản thế giới của Việt Nam

Hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009), trong đó một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch,… tạo thêm thế và lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung, với những thành tựu đáng ghi nhận: Trên cả nước, đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.591 di tích quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận/ghi danh, bao gồm: 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 14 di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 187 bảo tàng (với 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập). Nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia… đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng với tổng số trên 4 triệu hiện vật. 238 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia qua 10 đợt xét duyệt.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, mục đích xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đảm bảo tính phù hợp, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, giám sát việc thực thi pháp luật về di sản văn hóa để đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tập trung sửa đổi 03 nhóm chính sách lớn

Luật Di sản văn hóa quy định về các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (gồm di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu); quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Trong đề nghị xây dựng luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá tác động của 3 chính sách:

Một là, hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, cụ thể:  Nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, bổ sung quy định mới hoặc hủy bỏ những quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di tích, di sản văn hóa phi vật thể, bảo tàng, di vật, cổ vật, bảo vật mà Luật Di sản văn hóa còn quy định chung chung, không phù hợp với thực tiễn hoặc không khả thi; bổ sung quy định mới về di sản tư liệu chưa có trong Luật để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của lĩnh vực di sản tư liệu khu vực và thế giới

Hai là, hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn, cụ thể: (1) Nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung tại Luật Di sản văn hóa những quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành trực tiếp quản lý nhà nước đối với di sản, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm cả trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, xã) trong việc bảo vệ và quản lý di sản văn hóa;  (2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Kế hoạch, quy định bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; thực hiện cam kết bảo vệ và phát huy bền vững giá trị sau khi di sản được kiểm kê, xếp hạng, ghi danh; bài trừ các hủ tục và chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và hoạt động lễ hội; phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện, tổ chức thực hiện, quản lý các đề án, dự án; xây dựng các báo cáo bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở địa bàn tỉnh/ thành phố.

Ba là, hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: (1) Sửa đổi, bổ sung làm rõ các quy định trong Luật Di sản văn hóa về nội dung hoạt động xã hội hóa trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các chính sách ưu đãi trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; bổ sung quy định mới về "Quỹ bảo tồn di sản văn hóa"; (2) Sửa đổi, bổ sung làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; (3) Bổ sung quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; định hướng, điều chỉnh hoạt động quản lý, thực hành và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, xã hội trong bối cảnh bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển bền vững và hội nhập;  vai trò, sự tham gia của của cộng đồng chủ thể trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, thời gian dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024 và thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 năm 2024./.

Lan Anh

Các bài viết khác