CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: ĐỔI MỚI CỦA QUỐC HỘI KHOÁ VIII GẮN LIỀN VỚI SỰ CHỈ ĐẠO KIÊN QUYẾT, SÁNG TẠO CỦA ĐỒNG CHÍ VÕ CHÍ CÔNG

06/08/2022

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (7/8/1912 - 7/8/2022), Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trả lời phỏng vấn báo chí về những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đối với những đổi mới và thành tựu của Quốc hội Khóa VIII. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

PV: Thưa Chủ tịch Quốc hội, sinh thời, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp năm 1980, đồng chí Võ Chí Công đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Xin Chủ tịch Quốc hội cho biết dấu ấn của đồng chí Võ Chí Công với hoạt động của Quốc hội nước ta trong giai đoạn này?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đồng chí Võ Chí Công là người chiến sĩ cách mạng kiên cường, mẫu mực, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Trong gần 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa VIII, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - cơ quan cao nhất, hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã cùng với tập thể Hội đồng Nhà nước tạo ra một phong cách mới trong các lĩnh vực công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, như: đưa ra sáng kiến về chương trình xây dựng pháp luật, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể; tổ chức giám sát theo chương trình đã định, chú ý những vấn đề kinh tế - xã hội trọng tâm và cấp bách; tổ chức thảo luận và biểu quyết một cách dân chủ và cởi mở về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhà nước... Những đổi mới của Quốc hội Khóa VIII được đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, gắn liền với sự chỉ đạo kiên quyết và sáng tạo của đồng chí.

Theo Chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa VIII đã ra Nghị quyết thành lập Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp. Đồng chí Võ Chí Công được cử làm Chủ tịch ủy ban. Đây là nhiệm vụ hết sức to lớn. Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, đồng chí Võ Chí Công đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp năm 1992. Đồng chí đã dành nhiều tâm trí, sức lực để nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; tập hợp đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học để thành lập các tiểu ban nghiên cứu từng chuyên đề, tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà hoạt động chính trị, luật pháp. Mặt khác, đồng chí đã chỉ đạo phân công cán bộ đi sâu, đi sát cơ sở các cấp, các ngành, tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa... Đồng chí đã cùng với Ủy ban sửa đổi, chỉnh lý, bổ sung nhiều lần để có được bản dự thảo hoàn chỉnh và được Quốc hội Khóa VIII thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một với 100% đại biểu tán thành. Hiến pháp năm 1992 là một dấu mốc lịch sử về sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đánh dấu những bước phát triển quan trọng trong việc đổi mới tư duy pháp lý, bảo đảm sự ổn định chính trị để đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới.


Đồng chí Võ Chí Công (giữa) với đồng chí Võ Văn Kiệt và các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 8, ngày 18.12.1989, tại Hội trường Ba Đình. Ảnh: TTXVN

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, thực hiện xuất sắc các chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần từng bước đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và bước vào thời kỳ đổi mới sâu rộng, tạo tiền đề xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Võ Chí Công, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện bước tiếp con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện bằng được mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

PV: Thưa Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội Khóa XV đã, đang và sẽ làm gì để kế thừa, phát huy những thành tựu của thế hệ lãnh đạo đi trước, trong đó có đồng chí Võ Chí Công, để tiếp tục có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Kế thừa và phát huy những thành tựu của thế hệ lãnh đạo đi trước, Quốc hội Khóa XV đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, tập trung cao độ, phát huy trí tuệ, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với phương châm “chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm”, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm cao, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội Khóa XV đã đạt được một số thành tựu.

Thứ nhất, trong lĩnh vực lập pháp, để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Ban Bí thư và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận 19 và Đề án của Đảng đoàn Quốc hội.

Phiên họp của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Ủy ban Võ Chí Công

Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng là cơ sở quan trọng để Quốc hội chủ động hơn trong việc thực hiện quyền lập pháp nhằm bảo đảm cao nhất tiến độ và chất lượng xây dựng pháp luật đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, nghiên cứu các vấn đề đặt ra trong từng dự án luật, mở rộng dân chủ trong xây dựng luật, tổ chức các hoạt động tham vấn chuyên gia, lắng nghe ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh và đặc biệt chú trọng việc “đưa cuộc sống vào luật”. Cho đến nay, Quốc hội Khóa XV đã thông qua 8 luật, 33 nghị quyết tại các kỳ họp Quốc hội. Các luật, nghị quyết được thông qua có nhiều chính sách mới, tiến bộ, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, nghiên cứu các vấn đề đặt ra trong từng dự án luật, mở rộng dân chủ trong xây dựng luật, tổ chức các hoạt động tham vấn chuyên gia, lắng nghe ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh và đặc biệt chú trọng việc “đưa cuộc sống vào luật”.

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ -

Thứ hai, về công tác quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội Khóa XV đã kiện toàn công tác nhân sự và quyết định hệ thống các kế hoạch giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, trong đó quy định các biện pháp cấp bách, chưa có tiền lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, thể hiện sự quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn chia sẻ, sát cánh, đồng hành với cả hệ thống chính trị và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của nhân dân. Quốc hội cũng đã thông qua các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Tại Kỳ họp thứ Ba, lần đầu tiên tại một kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia về giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gồm: Dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; các dự án xây dựng đường bộ cao tốcBiên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Mới đây, tại phiên họp bất thường ngày 6.7.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn nhằm góp phần bình ổn giá xăng, dầu trong nước trước bối cảnh biến động của tình hình giá xăng, dầu thế giới, góp phần vào thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết khó khăn cho đời sống người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, trong lĩnh vực giám sát, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XV đã xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội với nhiều đổi mới như lần đầu tiên, các đoàn giám sát có sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan như: Ban Tổ chức Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, các chuyên gia là lãnh đạo các bộ, ngành và đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở. Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc thực hiện giám sát và gửi báo cáo về đoàn giám sát; đồng thời huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương...

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã xem xét, thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022; thành lập đoàn giám sát tối cao hai chuyên đề và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hai chuyên đề giám sát. Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội Khóa XV đã để lại những dấu ấn đậm nét về tinh thần trách nhiệm của cả người chất vấn và người trả lời chất vấn, đặc biệt là tăng cường tranh luận để làm rõ vấn đề, trách nhiệm. Thành công của các phiên chất vấn đã một lần nữa khẳng định chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần lan tỏa cảm hứng hành động sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát.

Cùng với chất vấn, công tác dân nguyện của Quốc hội cũng có sự đổi mới cơ bản khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa nội dung này vào xem xét định kỳ tại phiên họp hằng tháng để kịp thời xem xét, giải quyết các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, gửi đến Quốc hội.

Thứ tư, trong lĩnh vực đối ngoại, vượt lên những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương, đa phương vẫn diễn ra sôi động theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quốc hội đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất; tham gia tích cực các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và thế giới, khẳng định Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trong đó, Quốc hội đã triển khai tích cực, hiệu quả chiến lược ngoại giao vaccine và ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, nhất là tăng cường vai trò của nghị viện các nước và tăng cường hợp tác nghị viện đa phương nhằm thúc đẩy các nước, các nhà sản xuất vaccine Covid-19 ưu tiên cho những giải pháp mang tính toàn cầu như chia sẻ, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho những nước có khả năng sản xuất được, từ đó gia tăng nguồn cung trên toàn cầu.

Công tác đối ngoại của Quốc hội Khóa XV trong thời gian vừa qua đã thể hiện được hình ảnh một Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động và hành động; tiếp tục phát huy vai trò “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thúc đẩy mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đạt được những kết quả đó là do có sự lãnh đạo và đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, đồng thời, Quốc hội cũng đã kế thừa và phát huy tốt thành quả sự nghiệp đổi mới của đất nước và của Quốc hội các nhiệm kỳ trước, trong đó có những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công. Trong thời gian tới, Quốc hội Khóa XV sẽ tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân; phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, hiến kế giúp Quốc hội Khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, ban hành quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

PV: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công về thăm xí nghiệp may huyện Núi Thành (Quảng Nam) năm 1992

* Đầu đề và các tít xen do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác