PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN LÊ THÁI HÒA: CẤP PHÉP THÔNG QUA ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN LÀ CÁCH THỨC PHÂN BỔ TÀI NGUYÊN MINH BẠCH

08/08/2022

Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Thái Hòa khẳng định, việc cấp phép thông qua đấu giá là cách thức phân bổ tài nguyên minh bạch, rõ ràng và doanh nghiệp cạnh tranh để được tiếp cận quyền sử dụng đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao.

Xác định kỹ lưỡng tài nguyên tần số vô tuyến điện phải được sử dụng, khai thác hiệu quả nhất

Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế. Tuy nhiên, trải qua quá trình thực thi cho đến nay, một số điều của Luật hiện không còn phù hợp với thực tiễn nên cần có sự chỉnh sửa, bổ sung. Chính vì vậy, Chính phủ đã có Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Thực hiện nhiệm vụ tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục  trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật tại phiên họp tháng 8/2022 và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Tại Hội thảo chuyên đề về Phương thức cấp phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định tại khoản 5 Điều 1 dự án Luật do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Thái Hòa khẳng định: Việc cấp phép thông qua đấu giá là cách thức phân bổ tài nguyên minh bạch, rõ ràng và doanh nghiệp cạnh tranh để được tiếp cận quyền sử dụng đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao này. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấp phép băng tần có giá trị cao như băng tần thông tin di động thông qua đấu giá. Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đáp ứng những yêu cầu nhất định, có cam kết triển khai mạng viễn thông và phải cạnh tranh nhau về giá trả cho băng tần, kênh tần số muốn mua. Thông qua cơ chế đấu giá, phần nào hạn chế được những doanh nghiệp không đủ năng lực, qua đó phân bổ tài nguyên tần số đến được với những doanh nghiệp có khả năng sử dụng hiệu quả.

Quy định tại Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 quy định ba hình thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp. Trong đó, đấu giá, thi tuyển áp dụng đối với băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao và nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ. Tuy nhiên, chưa xác định rõ băng tần, kênh tần số nào là có giá trị thương mại cao, trường hợp nào đấu giá, trường hợp nào thi tuyển.

Việc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật là làm rõ các trường hợp được áp dụng đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp. Trong đó, quy định đấu giá đối với băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất; băng tần, kênh tần số để thiết lập mạng viễn thông công cộng khác khi mà số lượng tổ chức có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ, giao Chính phủ quy định về xác định nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ. Thi tuyển được áp dụng đối với băng tần, kênh tần số cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có tổ chức mới tham gia thị trường để thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về áp dụng pháp luật về đấu giá vào đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Thái Hòa nhấn mạnh, đặc điểm của quy hoạch băng tần, phân chia một băng tần thành nhiều khối băng tần, mỗi khối được xem là một tài sản. Theo đó, có hai cách quy hoạch. Thứ nhất, phân chia băng tần thành các khối băng tần lớn, mỗi doanh nghiệp chỉ được tối đa 01 khối. Thứ hai, phân chia băng tần thành nhiều khối cơ sở, mỗi doanh nghiệp có thể được nhiều khối nhưng không được vượt quá hạn mức tối đa; để sử dụng hiệu quả nhất thì các khối băng tần được cấp phép cho cùng một doanh nghiệp phải liền kề nhau.

Luật Đấu giá tài sản đã quy định trình tự, thủ tục để thực hiện đấu giá tài sản bao gồm quyền sử dụng tần số, đồng thời đấu giá một tài sản (01 khối băng tần) phải có ít nhất 02 doanh nghiệp tham gia đấu giá (trừ trường hợp xử lý đấu giá không thành). Đối với tài sản đấu giá như quyền sử dụng tần số thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó. Hiện tại, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2021/NĐ-CP có quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, trong đó quy định về cách xác định giá khởi điểm khi đấu giá quyền sử dụng tần số, quy định xử lý tình huống đấu giá không thành (đấu giá khi có 01 người tham gia).


Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Thái Hòa (Ảnh: VietnamNet)

Theo Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Thái Hòa, để thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đúng theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và tránh phân mảnh băng tần cấp phép cho doanh nghiệp thì nên quy hoạch băng tần thành các khối lớn và đấu giá lần lượt từng khối băng tần. Trường hợp đấu giá lần đầu không thành, ở các lần đấu giá lại, vẫn có thể xử lý được tình huống có một người tham gia. Các băng tần dự kiến đấu giá trong thời gian tới như băng tần 700 MHz, 2300 MHz hiện đã được quy hoạch thành các khối lớn. Như vậy, với các quy định hiện hành, việc áp dụng Luật đấu giá sản đối đấu giá quyền sử dụng tần số là khả thi.

Về quy trình tổ chức một cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Thái Hòa cho rằng, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được áp dụng theo pháp luật về đấu giá tài sản và Nghị định 88/2021/NĐ-CP. Các bước để tổ chức thực hiện đấu giá với một băng tần mới như sau:

Bước 1, tổ chức xác định mức thu cơ sở, giá khởi điểm của băng tần trên cơ sở tham chiếu giá trúng đấu giá băng tần tương đồng của nước ngoài theo quy định của Nghị định 88. Bước 2, ban hành phương án đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá. Bước 3, doanh nghiệp nộp hồ sơ xét duyệt đủ điều kiện tham gia đấu giá. Bước 4, Bộ Thông tin và Truyền thông xét duyệt doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia đấu giá. Bước 5, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Bước 6, tổ chức đấu giá lần lượt các khối băng tần theo Luật đấu giá tài sản.

Tổng thời gian dự kiến của quá trình trên từ 6-7 tháng. Doanh nghiệp trúng đấu giá nộp tiền trúng đấu giá và được cấp giấy phép (thời hạn nộp tiền tối đa là 04 tháng; trừ trường hợp băng tần để phát triển và ứng dụng công nghệ sử dụng hiệu quả phổ tần số vô tuyến điện được ưu tiên, khuyến khích thì doanh nghiệp được nộp tiền tối đa là 36 tháng). Nếu bất kỳ khối băng tần nào đấu giá không thành ở lần đấu giá đầu tiên thì sau đó có thể được đấu giá lại và phải xác định lại mức thu cơ sở trên cơ sở giá trúng đấu giá của các khối băng tần bán trước đó. Ở cuộc đấu giá lại, nếu xảy ra tình huống có một người tham gia đấu giá thì được xem xét bán theo quy định của Nghị định 88.

Về cơ sở xác định giá khởi điểm; việc áp dụng giá từ nước ngoài có hợp lý hay không, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Thái Hòa cho biết, hiện nay, việc xác định giá khởi điểm của tài sản vô hình có thể được áp dụng theo các cách tiếp cận của Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 (Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ Tài chính). Theo Tiêu chuẩn này thì có 3 cách tiếp cận là: từ thị trường (căn cứ vào việc so sánh các tài sản tương
tự); từ chi phí; từ doanh thu.

Việc xác định giá khởi điểm cho đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo Nghị định 88/2021/NĐ-CP (Nghị định 88) được dựa trên nguyên tắc của cách tiếp cận từ thị trường nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể giá khởi điểm (mức thu cơ sở) tại Nghị định 88 được tính trên nguyên tắc sau:
Lấy trung bình giá trúng đấu giá quy đổi từ tối thiểu 3 quốc gia, ưu tiên những nước có GDP gần nhất với GDP của Việt Nam. Giá trúng đấu giá được quy đổi từ quốc gia khác về Việt Nam dựa trên các yếu tố: Tổng số tiền trúng đấu giá, tổng băng thông được cấp phép, GDP bình quân đầu người, dân số, tỉ giá đồng nội tệ so với Đô la Mỹ, và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ngành viễn thông.

Qua khảo sát, việc áp dụng Nghị định 88 để xác định giá khởi điểm là khả thi đối với các băng tần dự kiến đấu giá trong thời gian tới hoặc xác định mức
thu tiền gia hạn cho các băng tần đã cấp vì đều có trên 3 mẫu (quốc gia) đã đấu giá. Tuy nhiên, cách tính của Nghị định 88 có thể có một số hạn chế:
Thứ nhất, việc quy đổi giá trúng đấu giá từ các quốc gia khác chưa tính đến các yếu tố như doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU), số lượng doanh nghiệp tham gia đấu giá, tổng lượng băng tần mang ra đấu giá, các cam kết triển khai mạng… nên có thể xuất hiện các mẫu có giá trị cao hoặc thấp bất thường (mẫu dị biệt) làm cho giá xác định được có thể cao hoặc thấp hơn nhiều lần so với mẫu bình quân trung, không phù hợp với mặt bằng chung của thị trường.

Thứ hai, thông tin về cuộc đấu giá phải là từ nguồn do cơ quan quản lý công bố, nhưng chưa quy định rõ quy trình tìm kiếm, xác định thông tin. Tại nhiều quốc gia, cơ quan quản lý chỉ công bố kết quả cuộc đấu giá mà không có thông tin chi tiết. Mặt khác, hiện cũng chưa có tổ chức nào có thể cung cấp đầy đủ thông tin về các cuộc đấu giá diễn ra trên thế giới để làm nguồn tham chiếu. Vì vậy, trên thực tế, tổ chức xác định giá phải thông qua nhiều nguồn, phương pháp tìm kiếm thông tin khác và tham vấn cơ quan quản lý để xác minh. (chẳng hạn như đối với việc xác định giá khởi điểm của băng tần 2300 MHz đang dự kiến đấu giá trong thời gian tới). Điều này dẫn đến khó khăn nhất định trong việc tìm kiếm thông tin các cuộc đấu giá, làm cho thời gian xác định giá kéo dài.
Thứ ba, do tần số là tài sản đặc thù, không phải thường xuyên được đấu giá, đồng thời phải lấy các mẫu có tính tương đồng (có cùng mã băng tần hoạt động, cấp phép trên toàn lãnh thổ, thời hạn cấp từ 10 năm trở lên) nên với chu kỳ lấy mẫu 05 năm thì số lượng mẫu bị giới hạn. Do vậy, nếu xuất hiện mẫu dị biệt thì có thể làm thay đổi lớn đến kết quả.

Thứ tư, trường hợp số lượng mẫu hợp lệ (mẫu quy đổi được) ít hơn 3 thì chưa có cách xác định giá khởi điểm.

Về hướng xử lý những hạn chế trong cách xác định giá khởi điểm theo Nghị định 88, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Thái Hòa cho rằng, đối với xác định giá khởi điểm của băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất thì vẫn giữ phương pháp của Nghị định 88 vì đây là cách xác định này đơn giản, số liệu công khai, minh bạch. Tuy nhiên, cần xem xét, bổ sung thêm một số quy định về việc lấy mẫu như: Nguyên tắc để loại bỏ mẫu di biệt. Đây là cách được một số tổ chức tư vấn quốc tế sử dụng và nguyên tắc này cũng được sử dụng trong tiêu chuẩn thẩm định giá của Việt Nam.

Quy định rõ trình tự các bước lấy mẫu và thời gian thực hiện. Chẳng hạn, đối với các mẫu chưa có thông tin đầy đủ từ công bố của cơ quan quản lý, cho phép tìm kiếm từ các nguồn khác như từ các tổ chức ITU, GSMA; gửi tham vấn tới cơ quan quản lý quốc gia liên quan để xác minh thông tin. Chấp nhận không sử dụng các mẫu mà đã thực hiện theo đúng quy trình tìm kiếm nhưng không có được đầy đủ thông tin trong khoảng thời gian đã quy định. Mở rộng khoảng thời gian lấy mẫu đang quy định là 05 năm thành 10 năm để tăng số lượng mẫu tương đồng thu thập được.

Ngoài ra, có thể bổ sung phương pháp xác định giá khởi điểm theo cách tiếp cận từ thu nhập khi mà không đủ số mẫu để áp dụng phương pháp của Nghị định 88. Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 quy định và hướng dẫn thực hiện thẩm định giá tài sản vô hình, ngoài cách tiếp cận từ thị trường (tương tự phương pháp tại Nghị định 88) thì còn có cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập.

Cách tiếp cận từ chi phí ước tính giá trị tài sản vô hình căn cứ vào chi phí tái tạo ra tài sản vô hình giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế để tạo ra một tài sản vô hình tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành. Đối với lĩnh vực tần số thì cách tiếp cận từ chi phí không áp dụng được do tần số là tài nguyên thiên nhiên, không có căn cứ để xác định chi phí tái tạo hoặc thay thế.

Cách tiếp cận từ thu nhập xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài
sản vô hình mang lại. Phương pháp này có thể áp dụng xác định giá khởi điểm đối với tần số.

Đối với xác định giá khởi điểm của băng tần, kênh tần số để thiết lập mạng viễn thông công cộng khác khi nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ thì xem xét quy định xác định giá khởi điểm bằng mức phí sử dụng tần số./.

Bích Lan

Các bài viết khác